200 chuyên gia quốc tế bàn về các vấn đề hội nhập

Hơn 200 chuyên gia đến từ nhiều nước đã họp tại Hà Nội để thảo luận về các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập khu vực.
Ngày 1/7, hơn 200 chuyên gia đến từ nhiều nước đã họp tại Hà Nội để thảo luận về các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập khu vực, bao gồm hội nhập kinh tế, tryền thông, đào tạo và biến đổi khí hậu.
 
Những chuyên gia trong lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế hay xã hội dân sự đến từ các quốc gia Đông Nam Á sẽ đóng góp tham luận tại hội thảo chuyên đề kéo dài 3 ngày dành cho cựu học viên InWEnt (Tổ chức bồi dưỡng và nâng cao năng lực quốc tế Đức) khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất.
 
Các đại biểu sẽ bàn luận hướng đi mới nhằm mang lại lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế cho các nước trong khu vực trong bối cảnh thế giới đầy tính cạnh tranh cũng như các quy luật mới trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của truyền thông, một phương tiện cho hội nhập, đào tạo nghề cho khu vực Đông Nam Á cũng như những thách thức của biến đổi khí hậu.
 
Đông Nam Á, một trong những khu vực có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, đang chứng kiến một tiến trình hội nhập đa tầng, phức hợp và năng động, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ sự phát triển này. Trong khi đó, sự suy thoái kinh tế thế giới gần đây đã gây ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia.
 
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Bernd Schleich, giám đốc điều hành tổ chức InWEnt nói: “Quá trình hội nhập kinh tế khu vực chỉ có thể thành công khi nó được gắn liền với cuộc sống, khi người dân trong khu vực tham gia đóng góp tích cực nhằm củng cố mối liên hệ giữa các nước và mỗi người chủ động xây dựng cho mình những mạng lưới quan hệ cá nhân và chuyên môn trên toàn khu vực.”
 
Do đó, các quốc gia Đông Nam Á cần có những phản ứng gì trước nguy cơ này để duy trì sự phát triển và đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, sự hiện đại hóa của đào tạo nghề, của hệ thống bảo hiểm y tế và xã hội để mang đến lợi ích nhiều hơn cho người dân nghèo chính là các vần đề được quan tâm nhất tại hội nghị.
 
Đại biểu sẽ không chỉ đề cập đến những mối quan tâm hiện tại của các chính phủ mà còn thảo luận về việc làm thế nào để các quốc gia xây dựng được sự hợp tác giúp tăng cường lợi ích của các nước thành viên Đông Nam Á cũng như chính những người dân trong khu vực./.

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục