Psy, Samsung khuếch trương hình ảnh Hàn Quốc

Psy và Samsung khuếch trương hình ảnh Hàn Quốc

Năm 2012, ca sỹ Psy và tập đoàn điện tử Samsung đã giúp tăng cường nỗ lực khuếch trương hình ảnh về đất nước Hàn Quốc ra thế giới.
2012 là một năm đột phá cho thương hiệu Hàn Quốc, dẫn đầu bởi ca sỹ Psy và tập đoàn điện tử Samsung, đã giúp tăng cường nỗ lực khuếch trương hình ảnh cho một đất nước hiện vẫn còn cảm thấy nó chưa được bên ngoài hiểu rõ và đánh giá đúng. Trong khi một số người có thể sẽ chất vấn về lợi ích thu được từ Psy, một anh chàng trong độ tuổi 30 có thân hình tròn trịa cùng điệu nhảy cưỡi ngựa độc đáo và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu văn hóa nổi tiếng nhất, hoàn toàn không có gì nghi ngờ về việc thành công hoành tráng của ca khúc "Gangnam Style" do Psy trình diễn sẽ làm làm nổi thêm tên tuổi của Hàn Quốc. Hoạt động biểu diễn của Psy đã được mọi người, từ Tổng thống Mỹ tới ngôi sao nhạc pop Madonna bắt chước. Cái tên của anh cũng được mọi người nhắc tới và anh cùng điệu nhảy phi ngựa của mình đã trở thành một "người khổng lồ" trong thế giới âm nhạc trong năm 2012. Video clip của Psy hiện đã có vị trí được ưa thích số một trên mạng chia sẻ video YouTube, sau khi đã thu hút tới 922 triệu lượt người xem và có thể dễ dàng phá mốc 1 tỷ người xem trước cuối năm. Có thể "Gangnam Style" sẽ là lần tỏa sáng duy nhất của Psy, nhưng sức ảnh hưởng kéo dài của nó hiện đã khiến anh cảm thấy mệt mỏi. "Thành thực mà nói, đôi khi tôi cảm thấy mệt với ca khúc này," Psy nói khi ở Singapore, trong một lần thực hiện tour lưu diễn ở nhiều nước. Tại Hàn Quốc, người ta đã tặng Psy một tấm huy chương hồi tháng 11 vì đã tăng cường sự quan tâm của thế giới tới nước này. Tuy nhiên sự nổi tiếng cũng đã rọi sáng nhiều vấn đề. Gần đây, người ta phát hiện Psy đã từng tổ chức một buổi biểu diễn chống lại việc Mỹ xâm lược Iraq và trong lời bài hát đã kêu gọi việc sát hại binh lính Mỹ "một cách chậm rãi và gây nhiều đau đớn." Hôm 8/12, Psy đã phải lên tiếng xin lỗi vì màn biểu diễn này. Bất chấp việc đã đạt được đặc biệt nhiều thành tựu trong thời gian đặc biệt ngắn, Hàn Quốc vẫn chỉ đóng vai dự bị trên trường quốc tế, xếp sau những nhân vật chính ở quanh đó như Trung Quốc và Nhật Bản. Sự chuyển đổi nhanh ở Hàn Quốc từ chế độ độc tài sang một nền dân chủ, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá tới nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á là niềm tự hào dân tộc lớn ở nơi đây. Nhưng những thành tựu đó thường ít được thế giới nhận thấy và họ hay để ý tới các vấn đề khác, ví dụ như nơi đây có quá nhiều nhà hàng thịt chó. Thậm chí ngay cả các tấm gương xuất khẩu thành công của Hàn Quốc cũng không được mấy người biết tới cho đến gần đây. Nhiều người đã tin rằng các công ty như Samsung Electronics và LG có xuất xứ Nhật Bản hoặc Đài Loan thay vì Hàn Quốc. Với Samsung, 2012 là một năm mang tính bước ngoặt, bởi công ty "đã cắn một miếng lớn" vào thị phần của công ty Apple trên con đường tạo dựng vị trí thống trị của mình tại thị trường máy tính di động toàn cầu. Sau khi đã chấm dứt 14 năm thống trị của Nokia trong vai trò nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, Samsung đã chứng kiến việc thị phần điện thoại thông minh của công ty tăng tới 31,3% trong quý 3 năm 2012, tăng chỉ 3% so với cuối năm 2009. Nhưng cùng thời điểm, công ty Apple chỉ bán được có nửa con số của Samsung và chiếm 15% thị phần. Chính quyền Hàn Quốc trong mấy năm gần đây đã đổ cả đống tiền của để đánh bóng tên tuổi của nước này trên trường quốc tế, đáng chú ý là qua việc ủng hộ "làn sóng Hàn Quốc" thông qua hoạt động xuất khẩu phim truyền hình và nhạc pop đã rất được ưa chuộng ở châu Á và hơn thế. Vậy tác động của hoạt động này được các chuyên gia đánh giá như thế nào? Theo chuyên gia thương hiệu quốc gia Simon Anholt, thành công của những người như Psy là bằng chứng cho thấy sản phẩm văn hóa do nhà nước tài trợ hoặc kiểm soát sẽ không bao giờ có tiềm năng hoặc hấp dẫn như việc để nghệ sỹ tự bộc lộ. "Các đất nước được đánh giá qua việc họ làm và thứ họ tạo ra, chứ không phải bởi những thứ họ quảng bá về mình" - Anholt nói với AFP - "Nếu một công ty muốn được ca ngợi, nó phải đáng ca ngợi trước." Samuel Koo, tân lãnh đạo Ủy ban Tổng thống về thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc, là người hiểu quá rõ về cạm bẫy của việc ủy ban của ông có thể sẽ trở thành một "cơ quan đầu não chính trị về tiếp thị," chỉ thực hiện nhiệm vụ chỉ đơn giản là khoe khoang các thành tựu đã làm được. "Những gì là thành công ở trong, do và từ Hàn Quốc đã hiển hiện và nó quá lớn để chúng tôi có thể tác động được gì. Liệu anh có thể thêm thắt gì vào thành công như của Psy?" Koo nói. Theo Koo, thay vì tập trung nỗ lực vào một hoạt động cụ thể nào đó, ủy ban của ông sẽ đóng vai trò như một trong những "điểm nối," giúp giới thiệu một bức tranh toàn cảnh cho thấy sự đa dạng của Hàn Quốc. "Đúng, đây là đất nước của Samsung, nhưng đây còn là đất nước của sự thấu cảm, của nguồn ODA lớn, đất nước của Psy và của những chiếc huy chương Olympic nữa" - ông nói. Năm 2012 này, ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đã ghi được thành công lớn khi phim "Pieta" chống chủ nghĩa tư bản của đạo diễn Kim Ki-Duk giành giải Sư tử vàng danh giá tại Liên hoan phim Venice.

Các cầu thủ Hàn Quốc ăn mừng bằng điệu nhảy Gangnam Style
Hàn Quốc lâu nay đã vật lộn để xây dựng danh tiếng trong vai trò một đất nước khuyến khích sáng tạo và đổi mới, dù ngay cả những công ty lớn như Samsung cũng không thoát khỏi các cáo buộc đánh cắp bản quyền và những đơn kiện khổng lồ do đối thủ Apple tung ra nhằm vào họ. Nhưng Koo đã thấy một sự thay đổi lớn đang diễn ra, trong đó thế hệ trẻ của Hàn Quốc được nuôi dưỡng bởi sự tăng trưởng kinh tế tốt, đang theo đuổi các con đường sáng tạo vốn bị đóng chặt dưới thời ông bà cha mẹ họ. "Đó là lý do vì sao chúng tôi có những người như Psy. Trong thế hệ của tôi, nếu con trai hoặc con gái của ai đó muốn trở thành ngôi sao ca nhạc, chúng có thể đã bị xử bắn. Chà, có thể không phải bị bắn, nhưng ít nhất chúng cũng bị người ta vặn sái tay, cho tới khi chừa thì thôi. Đã có sự dịch chuyển của cả mô hình đang diễn ra và điều này chỉ mang tới sự tốt đẹp" - Koo nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục