Việt Nam và LHQ ký Kế hoạch hợp tác 2012-2016

Việt Nam cùng LHQ và Tổ chức Di cư quốc tế ký Kế hoạch chung hợp tác 2012-2016 với tổng ngân sách là 480 triệu USD.
Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Bùi Quang Vinh đại diện cho Chính phủ Việt Nam cùng đại diện 16 tổ chức của Liên hợp quốc và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã ký Kế hoạch chung cho giai đoạn hợp tác 2012-2016 với tổng ngân sách thực hiện là 480 triệu USD.

Kế hoạch chung hợp tác là khuôn khổ cho các chương trình hợp tác của Liên hợp quốc và IOM tại Việt Nam trong 5 năm tới nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, ba lĩnh vực trọng tâm mà Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam sẽ cùng thực hiện trong giai đoạn 2012-2016 gồm: hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được sự tăng trưởng bền vững, bình đẳng với tất cả mọi người; tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu có chất lượng và bảo trợ xã hội; tăng cường quản trị công và sự tham gia.

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ Việt Nam và Liên hợp quốc nhất trí rằng Kế hoạch chung được xây dựng nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ phát triển chính thức của Liên hợp quốc để đáp ứng các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với lợi thế so sánh của Liên hợp quốc.

Kế hoạch chung này cũng là văn kiện định hướng quan trọng để Liên hợp quốc và các cơ quan Việt Nam xác định những hoạt động cụ thể, tiếp tục thực hiện Tuyên bố Hà Nội về hiệu quả viện trợ và triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động (DaO), tăng cường liên kết chương trình của Liên hợp quốc, xác định các lĩnh vực hợp tác hiệu quả hơn, hạn chế trùng lắp, giảm thời gian và chi phí quản lý của các bên tham gia.

Khẳng định tầm quan trọng của Kế hoạch chung này, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh Kế hoạch chung 2012-2016 nhằm hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng dành cho tất cả mọi người và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công bằng và cải thiện quản trị công.

Kế hoạch cũng đánh dấu giai đoạn mới 5 năm tiếp theo trong việc thực hiện DaO tại Việt Nam với việc tiếp tục tăng cường thực hiện “sáu yếu tố trụ cột chung gồm: Một kế hoạch chung, Một ngân sách chung, Một lãnh đạo chung, Một Bộ quy tắc quản lý chung, Một Tiếng nói chung và Một ngôi nhà xanh chung của Liên hợp quốc”, đồng thời nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững, công bằng và dành cho tất cả mọi người.

Theo đó, Việt Nam là một trong 8 quốc gia đầu tiên thực hiện DaO - một sáng kiến nhằm giúp cho các cơ quan Liên hợp quốc cùng nhau hoạt động có hiệu suất và hiệu quả cao hơn ở cấp độ quốc gia.

Việc ký kết Kế hoạch chung cho giai đoạn mới cũng thể hiện cam kết của Chính phủ quyết tâm để Việt Nam tiếp tục giữ vị trí tuyến đầu trong các cải cách của Liên hợp quốc, cũng như của các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhằm tiếp tục thống nhất hành động vì tất cả mọi người dân Việt Nam.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ và Liên hợp quốc có vai trò quan trọng, góp một phần lớn vào thành công việc thực hiện DaO của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta khẳng định.

Theo đại diện các nhà tài trợ, ông Peter D’Huys, Bí thư thứ nhất về hợp tác phát triển của Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam đồng chủ trì Nhóm các nhà tài trợ cho DaO tại Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và tinh thần hợp tác ba bên là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy toàn bộ quá trình cải cách của Liên hợp quốc.

Các đối tác phát triển sẽ tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc nhằm đảm bảo Kế hoạch chung đáp ứng phù hợp với nhu cầu thực tế của Việt Nam./.

Uông Lam (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục