Hội nhập giúp tăng triển vọng phát triển kinh tế

Theo CIEM, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO giúp tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế.
Ngày 29/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo về đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế sau ba năm Việt Nam gia nhập WTO.

Tại hội thảo, các đại diện của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và của Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày các báo cáo, tham luận giới thiệu tổng quan về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, tác động của hội nhập kinh tế đối với các lĩnh vực thương mại, thể chế, đầu tư và xã hội.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM giới thiệu về Báo cáo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và nêu rõ, các tác động tích cực quan trọng nhất của hội nhập kinh tế quốc tế sau 3 năm Việt Nam gia nhập WTO gồm gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam; thúc đẩy phát triển kinh tế; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường thu hút FDI; cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực; khơi dậy những tiềm năng to lớn của dân tộc; tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từng bước được nâng cao; năng lực điều hành của các cơ quan đã được cải thiện; thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện. Mặt khác, người tiêu dùng có lựa chọn đa dạng về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh; các doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào tốt hơn.

Theo đánh giá của nhóm soạn thảo báo cáo này, việc gia nhập WTO cũng bộc lộ rõ hơn nhiều hạn chế và yếu kém mang tính cơ cấu nội tại nền kinh tế như những yếu kém về chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực kết cấu hạ tầng.

Một số kiến nghị đưa ra chú trọng vào năm nhóm chính sách chính, trong đó về nhóm chính sách chung cần tập trung cải thiện tổ chức thực thi các chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường tài chính./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục