WTO đồng hành với các nước chậm phát triển nhất

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy khẳng định WTO là đối tác luôn đồng hành giúp các nước chậm phát triển nhất đạt mục tiêu phát triển.
Ngày 2/4, phát biểu tại lễ nhận bằng tiến sĩ danh dự của Trường Đại học Dhaka của Bangladesh, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy, khẳng định WTO là đối tác luôn đồng hành với các nước chậm phát triển nhất để giúp các nước này đạt được các mục tiêu phát triển.

Buôn bán, xuất nhập khẩu ở các nước chậm phát triển nhất góp phần quan trọng sống còn để thúc đẩy phát triển, nâng cao điều kiện sống và xóa đói nghèo, đảm bảo việc làm và đạt được phát triển bền vững ở các nước này.

Với vai trò giám sát hệ thống thương mại đa phương nhằm giảm dần thuế quan và các hàng rào cản trở thương mại khác cũng như loại trừ phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, WTO là đối tác không thể thiếu cũng như không thể thay thế đảm bảo triển vọng phát triển của các nước chậm phát triển nhất.

Theo số liệu của WTO, buôn bán chiếm gần 70% trong tăng trưởng kinh tế 7% hàng năm của các nước chậm phát triển nhất trên thế giới suốt thập kỷ qua.

Tuy thương mại của các nước chậm phát triển nhất tăng nhanh gấp hai lần so với tốc độ tăng buôn bán toàn cầu và góp phần tăng gấp đôi thị phần của các nước chậm phát triển nhất trong tổng kim ngạch buôn bán toàn cầu trong thập kỷ qua nhưng cho đến nay, thị phần này cũng chỉ chiếm 1% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Các thị trường mở theo lộ trình quy chế thương mại toàn cầu đã là xúc tác mở rộng buôn bán của các nước chậm phát triển nhất  với thế giới.

Thương mại toàn cầu tăng gấp 22 lần trong thời gian từ năm 1950 đến năm 2000 và đang tăng nhanh hơn nữa.Từ 123 thành viên khi chuyển từ Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), WTO đã nhanh chóng tăng tới 157 thành viên và chiếm tới hơn 97% giá trị buôn bán toàn cầu.

Cơ chế hoạch định chính sách dựa trên cơ sở đồng thuận đã tạo cho các nước chậm phát triển nhất tiếng nói và vai trò bình đẳng trong hệ thống buôn bán đa phương thông qua thương lượng mở cửa thị trường, các hiệp định ưu đãi buôn bán, viện trợ thúc đẩy buôn bán, giúp nâng cao năng lực buôn bán của các nước chậm phát triển nhất.

Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh WTO còn hỗ trợ các nước chậm phát triển nhất phát huy tiềm lực buôn bán thông qua khung thời gian dài hơn để thực hiện các cam kết với 2 thời kỳ quá độ kéo dài đến năm 2016, đồng thời với các nhượng bộ đơn phương hoặc không cần "có đi có lại" trong buôn bán giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển nhất .

Tại các diễn đàn thương lượng, WTO tạo không gian để các nước chậm phát triển nhất thúc đẩy các lợi ích thương mại của các nước này.

Các ưu đãi này đã góp phần tăng xuất khẩu hàng hóa của các nước chậm phát triển nhất lên 15% và tăng xuất khẩu dịch vụ 13% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2009.

Các trợ giúp các nước chậm phát triển nhất liên quan đến buôn bán nằm trong sáng kiến “Viện trợ thúc đẩy buôn bán” được WTO thúc đẩy đã giúp các nước này khắc phục các hạn chế cơ sở hạ tầng liên quan đến nguồn cung và buôn bán.

Nguồn viện trợ này đã tăng 60% kể từ năm 2005 và đã đạt 40 tỷ USD hàng năm trong đó 30% thuộc về các nước chậm phát triển nhất ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục