Nam Sudan hoàn tất việc rút quân ra khỏi Heglig

Việc quân đội Nam Sudan rút quân ra khỏi khu vực mỏ dầu Heglig ở Sudan đã tạm chấm dứt cuộc tranh cãi đổ máu giữa hai nước.
Quân đội Nam Sudan ngày 22/4 đã hoàn thành việc rút quân ra khỏi khu vực mỏ dầu Heglig ở Sudan mà lực lượng này đã chiếm đóng hơn một tuần qua, tạm chấm dứt cuộc tranh cãi đổ máu giữa hai nước khiến hàng nghìn dân thường phải đi sơ tán.

Đại sứ Nam Sudan tại Liên hợp quốc Agnes Oswaha cho biết, việc rút quân khỏi Heglig là nhằm tránh nguy cơ tái diễn một cuộc chiến tranh tổng lực.

[Sudan tuyên bố đã tiêu diệt 400 binh sỹ Nam Sudan]

Tuy nhiên, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tố cáo lực lượng Không quân của Sudan vẫn tiếp tục không kích vào các binh sỹ đang rút lui.

Heglig là mỏ dầu lớn nhất ở Sudan, đã bị các binh sỹ Nam Sudan chiếm đóng từ ngày 10/4 vì cho rằng Khartoum sử dụng nơi này làm căn cứ tấn công Công ty sản xuất dầu Unity State của mình.

Đến ngày 20/4, Tổng thống Salva Kiir đã thông báo kế hoạch rút quân. Tuy nhiên, phía Sudan lại cho biết, các binh sỹ nước này đã "giải phóng" mỏ dầu trên bằng vũ lực.

Việc rút quân được thực hiện sau khi cộng đồng quốc tế kêu gọi hai bên kiềm chế để bạo lực không bị leo thang thành một cuộc chiến lớn.

Cũng trong ngày 22/4, Liên minh châu Phi (AU) đã một lần nữa kêu gọi hai bên "chấm dứt hoàn toàn bạo lực" và trở lại bàn đàm phán.

Tuyên bố của AU nêu rõ: "Hai bên cần tính đến trách nhiệm đối với khu vực và các nước châu Phi khác cũng như cộng đồng quốc tế."

Dự kiến ngày 23/4, Tổng thống Kiir thăm chính thức Trung Quốc.

Sau 10 ngày giao tranh tại Heglig, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tuyên bố, nước này đã "tiêu diệt" khoảng 400 binh sỹ và "lính đánh thuê" của Nam Sudan, song ông không cho biết số thương vong của Sudan.

Một nguồn tin chưa được xác nhận cho biết, gần 100 người bị thương đang được điều trị tại một bệnh viện quân sự ở Khartoum. Trong khi đó, quân đội Nam Sudan cho biết, 19 binh sỹ của họ và 240 binh sỹ Sudan đã thiệt mạng.

Heglig được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ Sudan, tuy nhiên Nam Sudan vẫn khẳng định chủ quyền đối với khu vực này.

Tình trạng bạo lực tại Heglig là sự việc tồi tệ nhất kể từ khi Nam Sudan tách ra độc lập từ tháng 7/2011 sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm (1983-2005), làm khoảng hai triệu người thiệt mạng. Việc Nam Sudan chiếm đóng mỏ này đã bị cộng đồng quốc tế lên án.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, đây là hành động bất hợp pháp, trong khi các cường quốc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt không kích tại biên giới. Theo Liên hợp quốc, trong những ngày qua, khoảng 5.000 người dân đã sơ tán khỏi Heglig vì bạo lực.

Cũng trong ngày 22/4, các tay súng thuộc Phong trào Giải phóng Nhân đân Sudan - Bắc (SPLM-N) ở Sudan đã tuyên bố kiểm soát thị trấn chiến lược Talodi, cách Heglig 130km về phía Bắc. Họ cũng bác bỏ cáo buộc của Khartoum rằng SPLM-N được Nam Sudan ủng hộ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục