Công nghiệp phần mềm vẫn là cơ hội to lớn

Không có ngành kinh tế nào có tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.
Không có ngành kinh tế nào có tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn trong 15 - 20 năm tới đây cho Việt Nam so với công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.

Luận điểm này được người báo cáo, Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin của Chính phủ chứng minh bằng các số liệu thống kê của chính diễn biến kinh tế Việt Nam. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ thông tin tham dự hội thảo đã tỏ rõ sự đồng tình với nhận định này.

Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thị trường phần mềm và thị trường gia công ngoài nước (outsourcing) vẫn được giữ vững. Theo báo cáo 2008 mà hãng nghiên cứu thông tin Gartner mới đưa ra, tỷ lệ các công ty khởi đầu việc thương lượng outsourcing lên tới 36%, tăng 10% so với năm trước đó.

Việt Nam, ngoài việc đã tạo dựng được một thương hiệu outsourcing tin cậy, đang dẫn đầu về yếu tố giá cạnh tranh ngay cả khi so sánh với các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Australia và Singapore.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn của Việt Nam như FPT, CMC, IES đều cho biết sẽ tiếp tục đeo đuổi chiến lược cung ứng dịch vụ outsourcing chất lượng cao đi kèm với việc cung cấp các dịch vụ mới về công nghệ thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng đã chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam diễn ra ngày 15/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng Chính phủ cần tập trung cao độ để phát triển công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin như một ngành “công nghiệp chiến lược”, có khả năng tạo lập và khai thác tốt nhất nền tảng trí tuệ Việt Nam, đóng góp từ 8 - 10% GDP vào những năm 2020 - 2025.

Ngành công nghiệp này có thể khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin vào khoảng năm 2025. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành giáo dục-đào tạo cần cung ứng được 1 triệu kỹ sư phần mềm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong phần thảo luận trực tiếp với các doanh nghiệp tại hội thảo đã đặt câu hỏi: “Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã sử dụng hết hiệu quả của chính sách và sự hỗ trợ của Chính phủ chưa? Việt Nam chọn công nghệ phần mềm là ngành công nghiệp mũi nhọn có đúng không?”  Ông khẳng định Chính phủ vẫn coi đây là ngành “công nghiệp trọng tâm” của giai đoạn phát triển 10 năm tới.

Các báo cáo quốc tế nhìn chung vẫn cho rằng Việt Nam vẫn thiếu lực lượng lao động thích hợp cho thị trường gia công, mặt bằng tiếng Anh thấp, đảm bảo hạ tầng chưa tốt và ủng hộ của Chính phủ chưa cao.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng cũng đề nghị cách phát triển công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin phải thay đổi hoàn toàn, xem nó là vận mệnh của đất nước, được thể hiện trong những văn kiện chính sách quan trọng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục