Dư luận quốc tế quanh việc ông Mubarak từ chức

Theo Tổng Thư ký LHQ, sự ra đi của ông Mubarak là quyết định khó khăn, đáp ứng nguyện vọng cũng của đông đảo người dân Ai Cập.
Phản ứng trước tuyên bố từ chức của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng sự ra đi của ông Mubarak là "một quyết định khó khăn, đáp ứng nguyện vọng cũng như lợi ích của đông đảo người dân Ai Cập."

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Mussa kêu gọi người dân và quân đội Ai Cập xây dựng một thể chế dựa trên sự đoàn kết dân tộc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước đi tiếp theo trên cơ sở dân chủ và cải cách. Ông cũng không loại trừ khả năng ra tranh cử Tổng thống Ai Cập vào tháng 9 tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng việc từ chức của ông Mubarak là "sự đáp lại yêu cầu của người dân," đồng thời kêu gọi người dân Ai Cập đoàn kết nhằm hướng tới một nền dân chủ thực sự.

Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Obama nhấn mạnh việc Tổng thống Mubarak từ chức "chỉ là sự bắt đầu thời kỳ chuyển tiếp ở Ai Cập." Theo ông, các lực lượng vũ trang sẽ phải bảo đảm một sự chuyển giao chính trị đáng tin cậy, đồng thời cảnh báo "những ngày khó khăn còn ở phía trước."

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibs đã kêu gọi chính quyền mới ở Ai Cập tôn trọng các thỏa thuận hòa bình hiện có với Israel.

Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Mubarak, cho rằng nhà lãnh đạo Ai Cập đã "lắng nghe tiếng nói của nhân dân." Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự ra đi của ông Mubarak đánh dấu "một sự thay đổi lịch sử," đồng thời hy vọng chính phủ tương lai của Ai Cập tiếp tục duy trì hòa bình ở Trung Đông và tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Israel.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi người dân Ai Cập tiếp tục tiến trình hướng tới tự do, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng Ai Cập cần xây dựng một chính quyền đoàn kết, đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen lạc quan cho rằng việc chuyển giao quyền lực ở Ai Cập sẽ không gây bất ổn cho an ninh khu vực Trung Đông. Theo ông, Ai Cập là một đối tác quan trọng trong Đối thoại Địa Trung Hải và là một quốc gia chủ chốt trong khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hy vọng việc chuyển giao quyền lực "sẽ giúp khôi phục sự ổn định" ở Ai Cập.

Theo kênh truyền hình Al-Arabia, Thụy Sĩ đã phong tỏa toàn bộ tài sản của ông Mubarak.

Lãnh đạo các nước Ấn Độ, Canada, Jordan, Sudan cũng đánh giá cao việc ông Mubarak từ chức, đồng thời khẳng định tương lai của Ai Cập là do người dân nước này quyết định.

Thủ tướng Canada Stephen Harper nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành bầu cử tự do và công bằng, đồng thời tôn trọng các quyền của người dân. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho rằng ông Mubarak đã thể hiện được vai trò của một nhà lãnh đạo khi đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cá nhân.

Trong khi đó, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei đã gọi Ai Cập "là một nhà nước tự do." Theo kênh truyền hình Al-Arabya, ông ElBaradei không có ý định tham gia tranh cử tổng thống sau khi ông Mubarak từ chức và trao quyền lực cho quân đội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục