Ấn Độ dẫn đầu về ý thức người dân với môi trường

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Xanh của Hiệp hội địa lý Mỹ, Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về ý thức trách nhiệm đối với môi trường.
Ấn Độ đứng đầu trong số các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới về ý thức trách nhiệm đối với môi trường.

Quốc gia Nam Á này cũng được đánh giá là một trong những nền kinh tế ít khí thải nhất trên thế giới.

Đó là một trong những kết quả bảng xếp hạng Chỉ số Xanh (GreenDex) do Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ công bố ngày 12/7.

GreenDex được xây dựng kết hợp 2 tiêu chí, gồm mức tiêu thụ và thải khí cacbon vào môi trường thông qua thói quen ăn uống, đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người dân cộng với nhận thức của họ về vấn đề này.

Theo danh sách 17 quốc gia được khảo sát, người dân Ấn Độ là những người có lối sống lành mạnh vì môi trường nhất, song lại có tới 45% số người được hỏi nói rằng họ cảm thấy "áy náy" về lượng khí thải gây hại môi trường.

Sở dĩ Ấn Độ được đánh giá là nước ít khí thải là do người dân nước này có truyền thống kiêng ăn thịt bò - nguồn thải khí cacbon lớn gây biến đổi khí hậu.

Xếp thứ hai là Trung Quốc và Brazil, với 42% người dân cảm thấy "có lỗi" với những hành động gây hại môi trường.

Theo GreenDex, Brazil mua điện sinh hoạt từ các nguồn năng lượng xanh và chú trọng phát triển nhiên liệu sinh học, trong khi người Trung Quốc "ghi điểm" nhờ thói quen đi lại chủ yếu bằng các phương tiện ít khói.
Trong tốp cuối của bảng xếp hạng chủ yếu là những nước có nền kinh tế phát triển.

Đứng cuối bảng là Nhật Bản, với chỉ khoảng 14% người dân ý thức được về lối sống gây hại tới môi trường. Thói quen ăn uống của người dân đất nước Mặt trời mọc khiến nước này bị trừ điểm.

Tiếp theo là Mỹ với 21% và sau đó là Canada. Tại châu Âu, Pháp xếp hạng cuối cùng.

Có trụ sở tại thủ đô Washington, Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ là một trong những tổ chức phi lợi nhuận uy tín chuyên nghiên cứu về khoa học và giáo dục./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục