Ký kết đầu tư 2.500 tỷ đồng ở Festival dừa Bến Tre

Sau 6 ngày tổ chức thành công, Festival dừa Bến Tre bế mạc và đặc biệt có 11 dự án đầu tư được ký kết với tổng vốn hơn 2.500 tỷ đồng.
Tối 10/4, Festival dừa Bến Tre lần thứ ba năm 2012, đã khép lại sau 6 ngày diễn ra sôi động, hấp dẫn với nhiều chương trình, lễ hội, hội thi, hội thảo… và được ban tổ chức đánh giá thành công tốt đẹp.

Các đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các lãnh đạo Tỉnh ủy qua các thời kỳ cùng đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh tham dự.

Qua 6 ngày diễn ra Festival dừa, đã có hàng trăm ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng tại chỗ đạt gần 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức đã vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức Festival trên 20,7 tỷ đồng và hiện vật trị giá 368 triệu đồng.

Cũng qua Festival dừa lần này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, giới thiệu tiềm năng phát triển của ngành dừa Bến Tre, tạo cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào Bến Tre.

Cụ thể đã có thêm 6 dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cấp phép đầu tư và ký biên bản ghi nhớ 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng.

Cũng thông qua Festival dừa lần này, hình ảnh người nông dân trồng dừa được tôn vinh, cùng với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, là người có công đưa cây dừa Bến Tre phát triển, làm nên thương hiệu "Dừa Bến Tre" không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài.

Hiện các sản phẩm chế biến từ dừa đã xuất sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và 25% giá trị sản xuất công nghiệp của Bến Tre.

Festival dừa lần này đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh cây dừa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, tiếp thị sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung.

Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của cây dừa trong đời sống của người dân Bến Tre cũng như vai trò quan trọng của ngành công nghiệp chế biến dừa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Từ những kết quả đã đạt được qua Festival dừa lần ba, tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích, hỗ trợ nông dân Bến Tre cũng như nông dân các tỉnh có trồng dừa trên cả nước, nhằm giảm bớt thiệt hại, rủi ro do biến động của thị trường trong nước và thế giới.

Tỉnh Bến Tre kiến nghị Chính phủ xem xét công nhận cây dừa là cây công nghiệp quốc gia để có chính sách đầu tư, phát triển hợp lý và toàn diện.

Địa phương này cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Cục xúc tiến thương mại có cơ chế hỗ trợ về công tác thông tin, dự báo, xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ dừa.

Tại buổi lễ bế mạc, Ban tổ chức hội thi Người đẹp xứ dừa lần thứ 10 năm một trong những hoạt động nổi bật và được trông đợi nhất tại Festival dừa lần này – đã công bố kết quả. Danh hiệu Người đẹp xứ Dừa lần thứ 10 - 2012 thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, số báo danh 027, sinh 1993, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre), hiện là sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đẹp thứ nhất (Á hậu 1) thuộc về thí sinh Phạm Thị Phương Thảo (Bến Tre), sinh 1992, số báo danh 001, hiện là sinh viên trường Đại học Hutech Thành phố Hồ Chí Minh; người đẹp thứ hai (Á hậu 2) là thí sinh Huỳnh Thị Lệ Hằng (Tiền Giang), sinh 1991, số báo danh 150, hiện là sinh viên trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thi Người đẹp xứ dừa năm nay có 74 thí sinh thuộc các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Định, Phú Yên tham gia, khác với các lần tổ chức trước chỉ có thí sinh Bến Tre.

Ban tổ chức cũng đã công bố 3 kỷ lục do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn là: Bộ nhạc cụ dân tộc gồm 10 chủng loại với 27 món làm bằng gỗ dừa, do ông Lê Dân, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm ( Bến Tre ) thực hiện và ông Trần Ngọc Tam - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre là chủ đầu tư.

Kỷ lục tiếp theo là Mô hình trái dừa làm bằng chỉ xơ dừa, cao 4m, chu vi lớn nhất theo phương ngang là 11,5m, chu vi lớn nhất theo phương dọc là 11,6m.

Kỷ lục thứ ba thuộc về Nghệ thuật trang trí sắp đặt con đường dừa, dài 250m, có mặt bằng thực hiện 6.000m2, với 100 cây dừa lớn nhỏ được bố trí trên con đường dừa, đồng thời tái hiện khung cảnh làng quê Bến Tre với ngôi nhà ba gian chữ đinh, mái lợp lá dừa nước, chiếc xuồng ba lá, bến nước, cây cầu dừa….

Đơn vị sở hữu hai kỷ lục Mô hình trái dừa và Con đường dừa là Sở Xây dựng Bến Tre.

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao Giấy chứng nhận, Giấy khen và Cúp lưu niệm cho 14 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa đạt giải tại cuộc thi "Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa năm 2012 “, trong khuôn khổ Festival dừa Bến Tre lần thứ ba"./.

Văn Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục