Kinh tế thế giới mong manh

"Kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng mong manh"

Các bộ trưởng tài chính G-20 thừa nhận nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng mong manh dù có dấu hiệu phục hồi sau suy thoái.
Trong hội nghị kéo dài hai ngày (4-5/6) tại thành phố cảng Busan, Hàn Quốc, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã thảo luận về các biện pháp nhằm đảm bảo kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và cân nhắc áp dụng quy định chặt chẽ hơn đối với các thể chế tài chính nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Trong tuyên bố chung được thông qua sau khi kết thúc hội nghị, các bộ trưởng thừa nhận nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng mong manh mặc dù có những dấu hiệu phục hồi sau cuộc suy thoái toàn cầu.

Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác nhằm đạt được sự tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng cho nền kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố chung nêu rõ cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro, dẫn đến làm mất ổn định trên thị trường tài chính toàn cầu, vẫn là một sự nhắc nhở về những thách thức nghiêm trọng mà kinh tế thế giới phải đối mặt. Chính vì vậy, thế giới cần tăng cường nỗ lực nhằm củng cố hệ thống tài chính toàn cầu.

Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng đã thảo luận những biện pháp để ngăn chặn các ngân hàng và các thể chế tài chính khác trước các hoạt động đầu tư có mức độ rủi ro quá cao cũng như thúc giục họ thiết lập các quỹ dự phòng để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Trong đó trọng tâm là sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận về khả năng áp đặt thuế đối với các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải chi trả chi phí cứu trợ của các chính phủ trong tương lai.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G-20 cũng đang nỗ lực cho một khuôn khổ, qua đó họ sẽ tạo ra nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề như sự mất cân đối trong thương mại toàn cầu, thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau khủng hoảng cũng như đảm bảo duy trì sự tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng cho nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị lần này đã tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào cuối tháng này tại Toronto, Canada, trong đó nguyên thủ các nước sẽ cân nhắc các lựa chọn chính sách nhằm đạt được các mục tiêu nói trên.

Nhóm G-20 bao gồm các nền kinh tế Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục