APEC muốn giảm tình trạng mất cân đối thương mại

Các Bộ trưởng, quan chức tài chính của các nước thành viên APEC nhất trí kiềm chế phá giá tiền tệ để tăng khả năng cạnh tranh.
Ngày 6/11, các bộ trưởng và quan chức tài chính của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí sẽ kiềm chế phá giá tiền tệ để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để thị trường quyết định tỷ giá hối đoái.

Trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 17 ở thành phố Kyoto, miền Trung Nhật Bản, các bộ trưởng và quan chức tài chính APEC đặc biệt nhấn mạnh tới nguy cơ xảy ra cuộc chiến tiền tệ, theo đó các nền kinh tế sẽ chạy đua để phá giá đồng nội tệ hoặc kiểm soát các luồng vốn vào, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và tạo thêm việc làm.

Các bộ trưởng và quan chức tài chính APEC đã nhất trí tăng cường hợp tác đa phương để thực hiện các chính sách nhằm giảm tình trạng mất cân đối thương mại quá mức và duy trì tỷ lệ mất cân đối tài khoản vãng lai ở mức có thể chấp nhận được.

Các nền kinh tế bị thâm hụt tài khoản vãng lai cần phải thực hiện các biện pháp khuyến khích tiết kiệm trong nước, trong khi các nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai cần giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài và thực hiện các cuộc cải cách cấu trúc để thúc đẩy tăng trưởng dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước.

Để đóng góp cho các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC về chiến lược tăng trưởng chung của khu vực, các bộ trưởng và quan chức tài chính APEC đã nhất trí đệ trình “Báo cáo Kyoto về Chiến lược Tăng trưởng và tài chính” lên Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sắp tới ở thành phố Yokohama.

Báo cáo này chỉ ra các ưu tiên để đảm bảo tăng trưởng của khu vực trong tương lai, trong đó có việc tái lập cân bằng và thúc đẩy nhu cầu trên toàn thế giới, thực hiện chính sách quản lý tài chính lành mạnh và tăng vốn cho các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 17 có sự tham dự của các bộ trưởng và quan chức tài chính của 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các nền kinh tế trong khu vực không giống nhau.

Các nền kinh tế đang phát triển đang phục hồi một cách mạnh mẽ, trái ngược với những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế phát triển. Điều này làm gia tăng rủi ro về sự biến động của luồng vốn và làm tăng giá tài sản ở một số nền kinh tế.

Vì vậy, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện các biện pháp để xây dựng một nền tài chính toàn cầu mạnh hơn và có khả năng phục hồi cao hơn, đồng thời cam kết tiếp tục mở cửa thị trường và chống chủ nghĩa bảo hộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục