HSBC: Hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm từ 49,6 điểm trong tháng Hai xuống 48,1 điểm trong tháng Ba, thấp nhất trong bốn tháng qua.
Theo số liệu sơ bộ về Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc do ngân hàng HSBC thực hiện, hoạt động sản xuất của nước này đã giảm từ mức 49,6 điểm trong tháng Hai xuống 48,1 điểm trong tháng Ba, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng bốn tháng qua, đồng thời là tháng thứ năm liên tiếp PMI ở dưới mức 50 điểm, sau khi hoạt động xuất khẩu tụt dốc mạnh.

Thông tin tiêu cực này càng gia tăng áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, sau báo cáo mới công bố cho thấy Trung Quốc đã bị thâm hụt thương mại nặng trong tháng 2/2011 và chính phủ Trung Quốc đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng xuống 7,5% trong năm nay, giảm so với mức tăng tương ứng 9,2% ghi nhận trong năm 2011 và 10,4% của năm 2010.

Tập đoàn khai mỏ BHP cũng dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt của Trung Quốc có thể không tăng do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này phát triển chậm lại.

Nhà phân tích Shen Jun tại BOC International (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải) cho biết: "Các nhà đầu tư đang bi quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc và số liệu PMI yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này."

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của HSBC tại Trung Quốc, Qu Hongbin nhận định: "Động lực tăng trưởng của Trung Quốc có thể còn tiếp tục chậm lại trong bối cảnh các đơn đặt hàng giảm và nhu cầu nội địa chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường bên ngoài."

Còn nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nomura, Zhang Zhiwei thì cho rằng: "Sức ép sẽ càng tăng nếu các số liệu thống kê chính thức trong tháng Ba cho thấy kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, trong đó có cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng."

Về phần mình, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Hồi tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, lần giảm thứ hai trong vòng ba tháng qua, nhằm tăng khả năng cho vay của các ngân hàng và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Bắc Kinh đã cam kết sẽ thực hiện các điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tránh khả năng nền kinh tế rơi vào tình trạng "hạ cánh cứng" (nền kinh tế chưa kịp thích ứng với sự sụt giảm kinh tế đột ngột) và có thể châm ngòi cho nguy cơ người lao động mất việc làm hàng loạt và bất ổn xã hội gia tăng.

Dự kiến, HSBC sẽ công bố số liệu PMI cuối cùng của Trung Quốc trong tháng Ba này. Ngân hàng này cũng thừa nhận, sự sụt giảm trong hoạt động chế tạo của Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới./.

Việt Khoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục