Sản xuất đường niên vụ 2012-2013: Cung dư thừa

Sản lượng mía cả nước niên vụ 2012-2013 ước đạt 18,9 triệu tấn, và dự kiến sản lượng đường sẽ cung lớn hơn cầu trên 200.000 tấn.
Sau 3 vụ sản xuất mía đường sụt giảm liên tiếp, vụ sản xuất 2011-2012, ngành sản xuất đường đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và dự kiến niên vụ 2012-2013 sẽ thừa đường.

Đây là nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2011-2012 và kế hoạch sản xuất vụ 2012-2013 tổ chức vào ngày 10/8.

Diện tích và sản lượng tăng nhưng giá giảm

Tại hội nghị, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết vụ 2011-2012, diện tích mía cả nước đạt hơn 283.000 ha, tăng hơn vụ trước 11.800 ha, năng suất mía bình quân cả nước đạt 17,5 triệu tấn, tăng so với vụ trước 1,1 triệu tấn.

Tính từ đầu vụ (15/8/2011) đến ngày (15/7/2012), tổng lượng đường các nhà máy bán ra khoảng trên 1,2 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước là 159.700 tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 200.000 tấn.

Sau 3 vụ sản xuất sụt giảm, vụ sản xuất 2011-2012 ngành đường sản xuất đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng giá bán thì sụt giảm, thấp hơn vụ trước từ 1.500-2.000 đồng/kg. Khu vực miền nam, miền trung và Tây Nguyên giá bán giảm mạnh nhất vào tháng 2 và tháng 3.

So với cả nước, khu vực miền Bắc giá đường giữ được cao hơn do gặp thuận lợi trong việc xuất khẩu đường sang Trung Quốc, nhưng thực tế hiện nay, giá đường đang tiếp tục có xu hướng giảm do ảnh hưởng đường nhập lậu và đường thẩm lậu từ tạm nhập tái xuất.

Trước thực tế diện tích và sản lượng tăng nhưng giá bán lại giảm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần nhấn mạnh quá trình đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu… đã giúp cho ngành đường tăng sản lượng, nhưng đây cũng là khó khăn thách thức do nguồn cung dư thừa, cùng với việc đường lậu tràn vào làm cho giá đường sụt giảm.

Niên vụ 2011-2012, sự phối hợp điều hành của các bộ, ngành liên quan đã cơ bản xử lý được công tác điều hành cung – cầu, tổ chức tiêu thụ đáp ứng được yêu cầu của ngành đường.

Tuy nhiên, niên vụ 2012-2013 dự kiến sẽ dư thừa đường, do vậy cần sự điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành để ngành đường không bị thiệt hại.

Ổn định vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết tính đến thời điểm hiện nay, diện tích mía cả nước vụ 2012-2013 khoảng 300.000 ha, tăng hơn 16.700 ha so với vụ 2011-2012, dự kiến sản lượng mía cả nước đạt 18,9 triệu tấn và dự kiến sản lượng đường sẽ cung lớn hơn cầu khoảng trên 200.000 tấn.

Nhà nước hiện chưa có các văn bản có tính pháp lý cao như Luật hoặc Nghị định để điều chỉnh các hoạt động trong ngành sản xuất mía đường như một số các quốc gia khác, nên trước thực tế sản lượng ngành đường sẽ vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước, các nhà máy đường cần định hướng thị trường và xây dựng chiến lược phát triển.

Trong đó, các nhà máy phải chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng không tăng diện tích mà tập trung áp dụng công nghệ, dồn điền đổi thửa tạo nên vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa, một trong những công ty cung cấp đường lớn trên thị trường cho rằng đối với ngành đường, khi năng suất tăng phải có quá trình chứ không phải thực hiện ngay được một sớm một chiều vì vậy công ty cũng cố gắng đảm bảo lợi ích cho người nông dân.

Khi cơ cấu giá thành mía chỉ chiếm 60-70% giá thành đường, trước mỗi vụ công ty đều có chính sách hỗ trợ vốn lãi suất thấp cho nông dân, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật… để người làm đường không bị thiệt hại.

Đồng quan điểm trong việc hỗ trợ người trồng mía, ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La cho biết niên vụ 2012-2013, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ người trồng mía, công ty cũng tăng diện tích trồng đồng thời áp dụng các biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, niên vụ 2011-2012, mặc dù khó khăn, giá đường sụt giảm nhưng Bộ cùng với các ngành đã yêu cầu các nhà máy đường giữ được giá mua mía cho nông dân ổn định và tương đương vụ trước và tiếp tục đảm bảo giá thu mua để người nông dân có lãi trong niên vụ 2012 – 2013.

Ngoài ra, Bộ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu các giống mía mới để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Tập trung nâng cao chất lượng

Ngày 3/7/2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu QCVN 01-98:2012 và có hiệu lực từ tháng 1/ 2013, làm cơ sở để các nhà máy thực hiện mua mía theo trữ đường từ vụ 2012-2013, nếu các nhà máy không tích cực chuẩn bị thì sẽ không thực hiện được việc mua mía theo chất lượng đúng quy định của Chính phủ.

Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng hiện nay một số nhà máy không có đủ nguyên liệu vẫn thực hiện mua mía theo 2 giá trong vùng và ngoài vùng. Trong vùng mua giá thấp, ngoài vùng mua giá cao để tranh mua nguyên liệu, gây hệ quả xấu cho việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu làm cho nông dân không yên tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, từ đó không nâng cao được chất lượng.

Bên cạnh đó, do việc tổ chức thu hoạch và sản xuất chưa tốt nên tổn thất sau thu hoạch cao, trữ đường giảm làm cho năng lực cạnh tranh của ngành đường kém. Cụ thể, đối với diện tích mía thu hoạch khoảng 240.000 tấn nhưng chỉ sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn đường và chỉ bằng 50% năng suất đường bình quân thế giới.

Ngoài ra, quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm để tạo nên mối quan hệ hợp lực tăng chất lượng sau thu hoạch mà phần lớn phụ thuộc vào sức mua của thị trường.

Vì vậy, theo ông Đoàn Xuân Hòa, rất cần sự phối hợp để tạo chuỗi sức mạnh giữa các bên từ người trồng mía, các nhà máy cũng như sự tham gia của Hiệp hội Mía đường, các Bộ ngành liên quan để ngành mía phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trong thời gian tới./.

Thu Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục