Người dùng smartphone lo ngại bị giám sát "ngầm"

Hơn một nửa số người dùng các ứng dụng di động tại Mỹ đã quyết định không dùng một phần mềm nào đó vì lo ngại vấn đề riêng tư.
Thông tin từ AP cho hay, hơn một nửa số người dùng ứng dụng di động tại Mỹ nói rằng họ đã quyết định không dùng một phần mềm nào đó trên điện thoại của mình vì lo ngại vấn đề riêng tư.

Kết quả nói trên được rút ra từ một nghiên cứu được hãng khảo sát Pew Internet & American Life Project công bố gần đây, trong đó chỉ ra rằng có tới 54% người dùng ứng dụng di động đã bỏ qua không cài đặt loại phần mềm đòi hỏi quá nhiều thông tin cá nhân của họ.

Trong khi đó, có 30% số người tham gia khảo sát cho biết họ đã phải gỡ bỏ ít nhất là một ứng dụng vì thấy rằng phần mềm đó khai thác quá nhiều thông tin về họ.

Hiện nay, thế giới ứng dụng di động rất phong phú, từ bản đồ, game cho tới nhiều chương trình phần mềm khác để giúp biến smartphone trở nên đa năng, tiện dụng như một chiếc máy tính di động vậy.

Tuy nhiên, mặt trái ở đây là không ít ứng dụng đã có những đòi hỏi thông tin cá nhân của người dùng nhiều hơn cần thiết, khiến không ít người lo ngại họ có thể trở thành “con mồi” của các chương trình quảng bá, hay thậm chí là bị giám sát “ngầm” mà người dùng không hay.

Được biết, Pew Internet & American Life Project đã tiến hành khảo sát qua điện thoại với 2.254 người trưởng thành trong giai đoạn từ tháng Ba tới hết tháng Tư vừa qua./.  

Văn Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục