Tập trung ổn định đời sống cho dân vùng lũ

Trước tình hình lũ ở miền Trung, Nam Bộ đang giảm, các lực lượng chức năng triển khai nhanh khắc phục hậu quả, ổn định đời sống vùng lũ.
Hiện nay lũ lụt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã giảm, song mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên biến đổi chậm và còn ở mức cao.

Nên bên cạnh việc huy động các lực lượng khắc phục nhanh hậu quả, khôi phục lại sản xuất và ổn định đời sống cho người dân, các tỉnh, thành phố tại những khu vực này cần cảnh giác đề phòng, tiếp tục triển khai công tác phòng chống lũ và triều cường nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Bộ Y tế đã có Công điện số 669 yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Trung ương III và Công ty Cổ phần y tế DANAMECO cấp hỗ trợ tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp 20 cơ số thuốc, 600.000 viên Cloramin B, 100 áo phao để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và dự phòng cho đợt mưa lũ tiếp theo.

Bộ Giao thông vận tải có Công điện số 46 chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ. Các tỉnh Nam Bộ đã huy động gần 70.000 lượt người tham gia phòng, chống lũ, đã bơm tiêu úng gần 30.000ha lúa, sửa chữa và gia cố hơn 661.000m đê bao và bờ bao.

Nhằm hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng lũ lụt ở tỉnh Đồng Tháp, nhiều đơn vị cá nhân trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền, hàng. Tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh đã có 13.000 lượt hộ dân nghèo vùng lũ, vùng bị sạt lở được nhận quà hỗ trợ, tổng giá trị 3,618 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Dự báo trong vài ngày tới, vùng hạ lưu của tỉnh sẽ xuất hiện đợt triều cường cuối tháng 9 âm lịch, với đỉnh triều ở mức rất cao và có khả năng vượt mức báo động 3, tình trạng ngập sâu sẽ còn kéo dài. Do đó, công tác gia cố đê, bảo vệ mùa màng tài sản nhân dân đang được các địa phương tiếp tục tăng cường.

Để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, nhất là trẻ em, các địa phương trong tỉnh đã triển khai 49 điểm giữ 1.823 trẻ và đưa đón 5.880 học sinh đến trường bằng xuồng, ghe an toàn. Các điểm cứu hộ cứu nạn Chữ thập đỏ trên sông rạch cũng túc trực 24/24 đã kịp thời cứu vớt 31 người bị nước cuốn và 48 xuồng, tắc ráng bị chìm, trên 15,9 tấn lúa.

Ngành giáo dục đã cấp tặng bổ sung 1.800 áo phao cho học sinh vùng lũ An Phú, Tân Châu, Châu phú, Châu Thành... để đến trường bằng đường thủy. Hiện tại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã nhận gần 3,9 tỷ đồng tiền và hiện vật của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội hỗ trợ 3 tỷ đồng. Tỉnh đã tiến hành khẩn trương cấp phát gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu và phương tiện xuồng, câu, lưới cho các hộ mưu sinh, khắc phục phần nào khó khăn trước mắt.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó với mưa lũ các tỉnh miền Trung, đã fax bản tin thông báo lũ, phục vụ điều hành liên hồ chứa cho Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, Gia Lai đề nghị báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để triển khai các biện pháp đối phó với lũ theo cấp báo động. Tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ và lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long để thông báo kịp thời đến các địa phương để chủ động các biện pháp đối phó và nghiêm túc thực hiện nội dung các Công điện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương-Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tính đến chiều 21/10, mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên đã làm 14 người chết, tăng 4 người (Bình Định 2, Đà Nẵng 1, Kon Tum 1); người mất tích 5, tăng 2 người (Quảng Nam 1, Phú Yên 1); bị thương 16 người. Nhà bị ngập 65.754 căn; lúa bị ngập 3.146 ha; hoa màu bị ngập, hư hại 15.733ha; số hộ phải di dời 7.395 hộ. Lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long làm 49 người chết. Nhà bị ngập nước 88.325 căn, tăng 137 căn. Lúa bị ngập úng 23.064ha, tăng 304ha; đê bao, bờ bao bị sạt lở 1.471,8km.

Tại Quảng Bình còn 9/28 xã tại huyện Lệ Thủy còn ngập từ 0,1-0,3m, các tuyến giao thông trên toàn tỉnh đã thông xe. Tại Phú Yên vẫn còn một số tuyến đường tỉnh lộ ĐT641, ĐT642, ĐT643, ĐT644, ĐT646, ĐT647, ĐT650 và một số tuyến đường liên huyện ngập cục bộ, gây ách tắc giao thông.

Dự báo lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa tiếp tục xuống chậm và dao động ở mức báo động 1-báo động 2 và dưới báo động 1. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên biến đổi chậm và còn ở mức cao. Đến ngày 24/10, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,65m, trên báo động 3: 0,15m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,15m, trên báo động 3: 0,15m; tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên ở mức báo động 3 và trên báo động 3 từ 0,1-0,4m.

Hồ chứa thủy lợi khu vực miền Trung có một số hồ đã đầy và tiếp tục xả lũ như các hồ Sông Mực (Thanh Hóa); Vệ Vừng, Khe Đá (Nghệ An); An Mã (Quảng Bình); Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế); Hòa Trung (Đà Nẵng); Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam), Suối Trầu (Khánh Hòa); Các hồ còn lại hầu hết chưa qua tràn.

Một số hồ chứa thủy điện đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết như Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên Huế); sông Ba Hạ (Phú Yên); Pleikrông, Sê San 3, Sê San3A (Kon Tum); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Buôn Kuốp, Serepok 3, Buôn Tua Srah (Đắk Lắk)../

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục