Chính phủ Nhật thông qua kế hoạch hỗ trợ TEPCO

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch hỗ trợ TEPCO đền bù cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima số 1.
Ngày 13/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch hỗ trợ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đền bù cho các nạn nhân của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang gặp sự cố ở tỉnh Fukushima, phía Đông Bắc nước này.

Quyết định trên được đưa ra sau khi TEPCO đồng ý chấp thuận tất cả các điều kiện của chính phủ, theo đó sẽ phải cắt giảm tối đa chi phí, cho phép một ủy ban thứ ba do chính phủ thành lập để điều tra phương thức quản lý ở công ty này và không được đưa ra mức trần đền bù.

Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình các dự luật cần thiết lên Quốc hội trong kỳ họp hiện nay để thành lập một định chế tài chính mới nhằm hỗ trợ TEPCO trang trải chi phí đền bù và giám sát các nỗ lực tái thiết của công ty này.

Định chế này cũng đề ra các cơ chế đối phó với các sự cố hạt nhân trong tương lai. Để huy động tài chính cho định chế này, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành một loại trái phiếu đặc biệt không lãi suất và có thể chuyển thành tiền mặt khi cần thiết. Bên cạnh đó, các công ty điện lực điều hành các nhà máy điện hạt nhân cũng có thể phải đóng góp tài chính cho định chế này.

Trong một diễn biến khác, Công ty điện lực Chubu, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản, cho biết đã bắt đầu tiến trình đóng cửa nhà máy điện Hamaoka từ sáng 13/5. Nhà máy điện hạt nhân Hamaoka nằm tại khu vực được dự báo có khả năng xảy ra trận siêu trận động đất với cường độ lên tới 8 độ Richter.

Ngày 12/5, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố bản đồ phóng xạ về khu vực bị ô nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1. Theo đó, khu vực bị ô nhiễm phóng xạ rộng khoảng 800km2, tương đương 40% diện tích thủ đô Tokyo và bằng 1/10 diện tích khu vực bị ô nhiễm phóng xạ trong thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Các khu vực bị ô nhiễm phóng xạ có nồng độ đồng vị phóng xạ cesium-137 tích lũy (đo tháng 4/2011) là 600.000 bql/m2.

Ủy ban An toàn Hạt nhân (NSC) của Nhật Bản sẽ xác định các địa điểm cần phải theo dõi thường xuyên bằng cách kết hợp bản đồ phóng xạ này với các kết quả đo đạc trên mặt đất.

Thông qua việc sử dụng các dữ liệu thu được trong quá trình quan trắc, NSC có kế hoạch chuẩn bị phương án cho người dân trở lại nhà và khôi phục cuộc sống bình thường sau khi cuộc khủng hoảng tại nhà máy Fukushima số 1 được kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục