Đầu tư KHCN phát triển bền vững khu vực Tây Bắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề đầu tư khoa học công nghệ là cần thiết để phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.
Chiều 10/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị phối hợp nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.

Vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tây Bắc có vai trò quyết định sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng lợi thế về nông, lâm, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu; là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn bó lâu đời, là căn cứ địa cách mạng của các cuộc kháng chiến.

Xây dựng vùng Tây Bắc vững mạnh, toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong vùng đã phấn đấu đạt được nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, kinh tế còn chậm phát triển, đến nay vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước.

Đã có khá nhiều nghiên cứu khoa học, các dự án điều tra cơ bản hoặc chuyển giao công nghệ được tổ chức triển khai trên địa bàn vùng Tây Bắc hoặc có liên quan đến Tây Bắc. Song, đa số các đề tài dự án này đều có quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, đơn ngành, năng lực ứng dụng, chuyển giao còn thấp, chưa thể trở thành bệ đỡ tri thức- công nghệ- văn hóa- xã hội trực tiếp cho quá trình phát triển bền vững của vùng.

Đến nay chưa có một chương trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện về vùng Tây Bắc với tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá, tiếp cận và giải quyết các vấn đề của vùng theo quan điểm phát triển bền vững, tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của vùng trong chiến lược phát triển của đất nước. Một trong những vấn đề đặt ra để phát triển bền vững Tây Bắc là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông và phát huy lợi thế của vùng.

Tại Hội nghị, các đại biểu khẳng định việc tổ chức, triển khai một chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia vì sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc là hết sức cần thiết, tạo nên một nền tảng, đòn bẩy tri thức- công nghệ-văn hóa, xã hội mạnh mẽ cho chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Chương trình sẽ mang lại lợi ích cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc và nhân dân cả nước. Các đại biểu tập trung trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, đề xuất các giải pháp phối hợp giữa các bộ, các viện khoa học, các cơ quan, đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học trong việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Đại diện các bộ, các cơ quan nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc và giao cho Đại học Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình này; các bộ, các cơ quan phối hợp và triển khai thực hiện chương trình.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vấn đề đầu tư khoa học công nghệ là cần thiết để phát triển bền vững khu vực Tây Bắc. Bộ Chính trị quyết định đầu tư 3 chương trình cấp nhà nước với 3 vùng: Tây Bắc, Tây Nam và Tây Nguyên.

Xuất phát từ tinh thần đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc họp với các cơ quan khoa học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cùng bàn để có chủ trương xây dựng một chương trình cấp Nhà nước phục vụ cho Tây Bắc phát triển bền vững, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đây là Chương trình mang ý nghĩa nhân văn có tầm quốc gia, thể hiện tình nghĩa, trách nhiệm đối với vùng Tây Bắc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan thực hiện Đề án khoa học quan trọng này, thời gian thực hiện năm 2013-2015. Phó Thủ tướng lưu ý, Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng xây dựng chương trình thiết thực, hiệu quả để áp dụng trong thực tiễn; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình. Đại học Quốc gia Hà Nội cần thuyết minh đề cương làm rõ mục tiêu, nội dung chương trình, các nhóm giải pháp, các mô hình triển khai áp dụng có hiệu quả trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục