Nhiều sinh viên tốt nghiệp còn thiếu kỹ năng mềm

Trong khi tiếp cận giáo dục đại học đang phát triển nhanh chóng tại VN thì việc cải thiện kỹ năng mềm vẫn còn nhiều thách thức.
Theo Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới về “Phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu công việc - Những kỹ năng và nghiên cứu vì sự phát triển ở Đông Á,” trong khi tiếp cận giáo dục đại học đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam thì việc cải thiện kỹ năng mềm vẫn còn nhiều thách thức.

Nguồn cung sinh viên có trình độ đại học vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Một vài chỉ số cũng chỉ ra những yếu kém trong việc trang bị cho sinh viên những nhóm kỹ năng cần thiết. Chỉ có khoảng 25% sinh viên đang theo học các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Người sử dụng lao động Việt Nam cũng nhận thấy những yếu kém trong thực hành, nhất là kỹ năng giao tiếp, tiếng Anh và kiến thức thực tế trong công việc của sinh viên mới tốt nghiệp.

Việc thiếu kỹ năng mềm được thấy rõ nhất trong các ngành công nghệ chuyên sâu, làm hạn chế khả năng cải tiến và đổi mới công nghệ.

Báo cáo cũng cho rằng những nghiên cứu tại các trường đại học Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và cần cải thiện việc cung cấp các loại hình nghiên cứu cần thiết trong các trường đại học để thúc đẩy quá trình đổi mới.

Việc nghiên cứu chất lượng cho phép các trường đại học sáng tạo ra những ý tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp cho việc nâng cấp công nghệ trong các công ty, phát triển kiến thức và đổi mới công nghệ.

Bảng xếp hạng quốc tế và các nghiên cứu cho thấy chỉ có một số trường đại học đào tạo các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ.

Theo các cuộc khảo sát gần đây, chỉ khoảng 3% các doanh nghiệp tuyên bố hợp tác với các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu về vấn đề phát triển sản phẩm; dưới 20% giảng viên của các trường đại học ở Việt Nam có trình độ tiến sỹ và phần lớn công việc chính của họ là giảng dạy chứ không phải là nghiên cứu.

Một trong những nguyên nhân là do số lượng sinh viên quá lớn và giảng viên bị quá tải trong việc giảng dạy.

Để tiếp tục tăng trưởng nhanh và đạt được chiều sâu về công nghệ, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần ưu tiên 3 vấn đề trong giáo dục đại học là tăng cường đào tạo kỹ năng; từng bước tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng; tăng cường nghiên cứu liên quan đến các nhu cầu kinh tế tại một số phòng ban và trường đại học.

Ngoài ra, Việt Nam có thể dùng những "đòn bẩy chính sách" như tăng công quỹ cho các lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đảm bảo các quỹ được phân bổ hợp lý; tăng cường chi tiêu công cho học bổng và cho vay (người dân tộc thiểu số, người nghèo); hoàn tất quy trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học; hỗ trợ sự phát triển, cũng như chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục tư nhân; khuyến khích liên kết giữa các trường đại học và ngành lựa chọn nhằm cải thiện chương trình giảng dạy cho phù hợp, hỗ trợ khả năng kinh doanh và giúp đỡ nâng cấp công nghệ./.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục