Để di sản "sống" trong đời sống đương đại

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng để di sản "sống" trong đời sống đương đại thì không được tách rời nó khỏi không gian văn hóa.
Để di sản "sống" trong đời sống đương đại là chủ đề của cuộc tọa đàm do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội nhằm khép lại dự án truyền thông "Báo động từ vốn di sản" do Công ty Ford Việt Nam hỗ trợ.

Cuộc tọa đàm đã đề cập đến các nội dung: Di sản có thể tiếp tục "sống" trong đời sống đương đại như thế nào, những thách thức của di sản trong đời sống đương đại, những giải pháp để di sản có thể "sống", việc đưa các yếu tố đương đại vào các di sản văn hóa phi vật thể.

Những nội dung được bàn luận trong tọa đàm được đúc kết từ các báo cáo kết quả thu được, những vấn đề lớn nảy sinh từ thực tế mà các tác giả đề cập trong bài viết.

Từ tháng 11/2008 đến nay, đã có 40 bài báo viết về nội dung tìm lại các vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể (gắn với các nghệ nhân) được đăng tải trên Thể thao và Văn hóa cuối tuần và Vietnam News Sunday (tiếng Anh).

Tất cả các bài viết này đều được thực hiện sau những chuyến đi thực tế của phóng viên, cộng tác viên của báo Thể thao và Văn hóa. Từ người thật, việc thật, nhiều chi tiết mới, phát hiện mới đã được tìm thấy từ các đề tài, di sản, nghệ nhân mà nhiều người đã biết và báo chí khác đã đăng tải. Các bài viết đó mới chỉ phác họa phần nào thực trạng bức tranh di sản và giải pháp giữ gìn dưới góc nhìn báo chí.

Ngoài những chuyến đi thực tế, báo Thể thao và Văn hóa còn tổ chức được hai chuyến đi tìm những báu vật Tây Nguyên cùng nhóm phóng viên, biên tập viên của chương trình VTV3 và chương trình phóng sự của Let's Việt VTC9...

Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng để di sản "sống" thì không được tách rời nó khỏi không gian văn hóa. Chẳng hạn như văn hóa cồng chiêng phải gắn với làng và rừng, hát lên đồng gắn với phủ, rối hầu thánh gắn với chùa..., hạn chế hình thức sân khấu hóa các di sản văn hoá phi vật thể.

Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cho rằng cần có sự kết hợp đúng đắn giữa nhà nghiên cứu và các nhà quản lý để việc bảo tồn di sản được thực hiện hiệu quả và có chế độ, chính sách thích hợp nhằm khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng nhân dân.

Tại cuộc tọa đàm, 6 nghệ nhân xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã trình diễn trò Ổi Lỗi hay còn là Rối Đầu Gỗ - một loại hình rối cạnh hầu Thánh độc nhất xứ Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục