Thế giới cần đổi mới tiến trình phát triển hạt nhân

Tại Diễn đàn về năng lượng hạt nhân, Liên hợp quốc đã khẳng định tầm quan trọng đổi mới tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân.
Tại Diễn đàn đối thoại về năng lượng hạt nhân từ ngày 2-4/2 ở thủ đô Vienna của Áo với sự tham dự của 32 nước, Liên hợp quốc đã khẳng định tầm quan trọng và nhu cầu đổi mới tiến trình phát triển năng lượng hạt nhân.

Việc đổi mới tiến trình trên ngày càng quan trọng trong bối cảnh năng lượng hạt nhân đang trở thành lựa chọn hàng đầu như là nguồn năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng rất nhanh của thế giới và sự cần thiết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc cho biết 3 phương châm để phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân là cam kết, bền vững và hợp tác.

Dự án quốc tế về đổi mới chu trình nhiên liệu và lò phản ứng hạt nhân (INPRO) là sáng kiến mới của IAEA nhằm dự báo tương lai của công nghệ hạt nhân và kết nối các nước đang sở hữu các bí quyết công nghệ hạt nhân, các nước đang mở rộng chương trình năng lượng hạt nhân và các nước mới hoặc sắp bước vào lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng này.

Liên hợp quốc khẳng định trong khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt, việc đưa năng lượng hạt nhân vào chương trình năng lượng quốc gia của một nước đồng nghĩa với một sự cam kết ít nhất 100 năm. Lựa chọn năng lượng hạt nhân phải là lựa chọn lâu dài và bền vững.

IAEA sẽ cung cấp phương tiện để một nước lựa chọn nguồn năng lượng này đánh giá nhu cầu thực sự về năng lượng hạt nhân của nước này vì phát triển năng lượng hạt nhân liên quan đến nhiều vấn đề vượt ra ngoài nhu cầu kinh tế.

Đó là hiện trạng cơ sở hạ tầng, các nhân tố xã hội và kinh tế vĩ mô tác động đến quyết định phát triển năng lượng hạt nhân, năng lực công nghệ trong nước, cách thức xử lý chất thải hạt nhân, những vấn đề nhằm đảm bảo an toàn môi trường, các biện pháp chính sách chống phổ biến hạt nhân.

IAEA nhấn mạnh đây là những vấn đề cần có câu trả lời cụ thể và thích đáng trước khi cam kết phát triển năng lượng hạt nhân. Không một nước hoặc một khu vực nào có thể hành động độc lập khi phát triển nguồn năng lượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục