Điều hành giá phải giúp gỡ khó khăn cho SX-KD

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá phải góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính vừa có thông báo chính thức ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá.

Theo Bộ trưởng, từ đầu năm công tác điều hành giá của Bộ đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Từ nay đến cuối năm, tình hình còn rất khó khăn, lạm phát hiện đã ở mức cao, 7 tháng là 14,6%, Bộ trưởng chỉ đạo, cần tiếp tục theo dõi sát sao, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong công tác quản lý, điều hành giá để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc điều hành giá phải góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển và hội nhập; tiến hành rà soát lại tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước kiểm soát giá, nếu giá chưa đáp ứng được với thị trường thì nghiên cứu có biện pháp xử lý, tháo gỡ theo phương án, lộ trình phù hợp, đảm bảo giá cả vận hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Trong khi kiên trì nguyên tắc giá thị trường, đối với một số mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an sinh xã hội như điện, xăng dầu, thì việc điều hành giá phải linh hoạt, theo thời điểm, liều lượng hợp lý để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội; cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá và công khai, minh bạch giá, phương pháp, thông số, dữ liệu tính toán giá đối với những mặt hàng Nhà nước độc quyền, những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu, sắt thép, dịch vụ cảng biển, giá lương thực, thuốc, sữa, học phí viện phí…

Cục Quản lý giá chủ động nghiên cứu kinh nghiệm quản lý và điều hành giá của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là những quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc… để tham mưu cho Bộ; đồng thời rà soát biên chế, tổ chức tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ để đáp ứng được yêu cầu: Bám sát doanh nghiệp, nắm chắc vấn đề, thông tin, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

Bộ trưởng yêu cầu Cục quản lý giá bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tài chính đã ban hành để thực hiện, trong đó lưu ý tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về giá của Nhà nước; chủ động có hướng dẫn các địa phương, sử dụng tất cả các biện pháp, công cụ hiện có và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu sẽ chỉ đạo tổ chức một số đoàn kiểm tra về giá tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… kết quả kiểm tra, thanh tra phải được công bố công khai để giám sát.

Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, điện, Cục Quản lý giá sẽ nghiên cứu, hoàn chỉnh các phương án, kịch bản điều hành giá các mặt hàng này. Trong các phương án về điều hành giá phải nêu rõ nguồn số liệu được sử dụng để tính toán, Cục Quản lý giá thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu.

Đối với giá điện, khi tính toán giá điện, ngoài những yếu tố làm tăng giá thì phải lưu ý tính cả đến những yếu tố làm giảm giá như: hao phí điện năng; kiểm soát chi phí của các đơn vị bán điện cho EVN; tiết giảm giá thành, vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất và thanh lý tài sản của ngành điện; doanh thu cho thuê cột điện; nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư ngành điện; chi phí nhân công; phương pháp phân bổ chênh lệch tỷ giá.

Cục Quản lý giá chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc thanh tra các doanh nghiệp bán điện cho EVN để làm rõ các yếu tố chi phí khi đàm phán mua điện giá cao./.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục