Phẫn nộ quanh việc Đức tái bản cuốn sách của Hitler

Các sử gia lên tiếng hoan nghênh, sau khi có tin nói rằng cuốn "Mein Kampf" của ông trùm phát xít Adolf Hitler sẽ được tái bản ở Đức.
Các sử gia đã lên tiếng hoan nghênh, sau khi có tin nói rằng cuốn "Mein Kampf" (Cuộc đấu tranh của tôi) của ông trùm phát xít Adolf Hitler sẽ được tái bản ở Đức.

Đây là lần đầu tiên nó được in lại kể từ khi chính quyền phát xít sụp đổ hồi năm 1945.

Nhà xuất bản người Anh Peter McGee nói rằng ông sẽ lấy ra các trích đoạn từ cuốn sách được xem là bản tuyên ngôn bài Do Thái, vốn vạch ra tầm nhìn của Quốc trưởng Đức từ rất lâu trước khi ông nắm quyền hồi năm 1933, và đặt chúng bên cạnh những lời bình luận, nhằm đưa cuốn sách lên tầm một tác phẩm có giá trị về mặt lịch sử.

Các học giả nói rằng đã tới lúc để một số điều cấm kị xung quanh cuốn sách ở Đức nên bị phá bỏ. “Tôi nghĩ chúng ta đã có một hướng tiếp cận khá rụt rè với cuốn sách ở Đức. Người ta có thể đọc cuốn sách này ở khắp nơi trên thế giới và thậm chí còn có cả phiên bản tiếng Hebrew ở Israel” - giáo sư về nghề báo Horst Poettker, người đang thực hiện các chú giải cho cuốn sách, thổ lộ trên AFP.

Giáo sư Horst Poettker cho biết thêm: “Tôi nghĩ chúng ta nên giới thiệu sách cho một lượng độc giả càng lớn càng tốt vì đó là cách tốt nhất để dư luận thấy những người trong đảng Quốc gia Xã hội đang nghĩ gì và có gì hấp dẫn trong ý thức hệ của họ.”

Tuy nhiên, các nhóm Do Thái đã chia rẽ rất mạnh trên dự án này, với một số người nói rằng McGee đang đùa với lửa.

"Những người sống sót trong thảm họa diệt chủng Do thái Holocaust đang chống lại việc buôn bán một cách thô bỉ và thiếu tế nhị cuốn sách chứa đầy sự thù hận của Hittler, vốn là cái nôi giúp hình thành nên chính quyền gieo rắc kinh hoàng của đảng Quốc xã" - Elan Steinberg, một thành viên của Hội những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Do thái và hậu duệ của họ ở Mỹ, cho biết.

Steinberg kêu gọi bang Bavaria, vốn nắm tác quyền của mọi cuốn sách xuất bản từ những nhà in lớn của Đức quốc xã, phải đưa ra các biện pháp về pháp lý để ngăn chặn cuốn sách, không cho nó ra đời.

Cơ quan tư pháp Bavaria nói rằng họ đang xem xét các biện pháp ngăn chặn vì khả năng xảy ra tình trạng vi phạm tác quyền.

McGee cho AFP biết rằng “một tập sách quảng cáo mỏng, với độ dày từ 12-15 trang” sẽ được xuất bản trong ngày 26/1, với các trích đoạn từ "Mein Kampf" được in trên một mặt và bình luận từ các sử gia nổi tiếng in trên mặt còn lại.

"Ai cũng biết về cuốn sách và xem nó như là một loại Kinh thánh phát xít đáng nguyền rủa. Nhưng người ta chưa đọc nó và vì thế chưa thấy nó là một cuốn sách tồi, một tác phẩm hỗn độn của một tâm hồn hoàn toàn méo mó," McGee nói.

Mặt trước của tập sách quảng cáo mang tựa đề "Zeitungszeugen," nơi chứa các đoạn trích, sẽ có một bức chân dung Hitler, với gương mặt bị cắt ở khu vực ngay phía trên hàng ria mép được tỉa tót và nằm trên một nền màu ngọc lam.

Lãnh đạo Hội đồng Trung ương Do thái ở Đức, ông Dieter Graumann, đã khó khăn lắm khi gật đầu đồng ý việc để cuốn sách ra đời.

"Lẽ dĩ nhiên sẽ tốt hơn nếu sách không được tái bản. Nhưng nếu điều ngược lại xảy ra, nó phải đồng hành cùng với những bình luận của các sử gia” - ông nói với AFP.

"Mein Kampf" hiện không bị cấm ở Đức. Nhưng kể từ cuối Thế chiến thứ 2, Bavaria, nơi nắm giữ tác quyền của cuốn sách cho tới năm 2015, đã không cho phép nó tái bản.

Cuốn sách viết hồi năm 1924, khi Hitler đang thụ án trong một nhà tù Bavarian, đã kết hợp các yếu tố về tiểu sử của ông ta với các quan điểm về giống nòi Aryan thượng đẳng, sự thù ghét Do Thái và chủ nghĩa cộng sản.

Khoảng 10 triệu cuốn sách đã được xuất bản ở Đức cho tới năm 1945, theo sử gia người Anh Ian Kershaw. Từ năm 1936, gần như mọi cặp vợ chồng người Đức kết hôn đều nhận một bản sao của cuốn sách như món quà cưới từ nhà nước phát xít.

Luật sư Tim Hoesmann ở Berlin nói rằng bởi cuốn sách xuất hiện tại quá nhiều nhà người Đức nên nếu đưa nó ra ngoài vòng pháp luật, anh có thể khiến cả một cộng đồng dân cư lớn phạm tội.

McGee cho biết cứ mỗi tuần, ông lại có kế hoạch đưa ra 1 cuốn sách quảng cáo mới, kèm trích đoạn nội dung và có thể tái bản chừng 100.000 bản. Nhà xuất bản của ông từng liên quan tới nhiều dự án gây tranh cãi ở Đức trước đó.

Hồi năm 2009, ông gây sóng gió khi bắt đầu bán phiên bản in lại của tờ báo tuyên truyền cho Đức quốc xã mang tên Voelkischer Beobachter (Người quan sát của nhân dân), kèm theo lời bình từ các sử gia.

Bavaria đã đâm đơn kiện chống lại bộ sách này, nhưng chỉ thu được thành công hạn chế./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục