Phấn đấu đón 8 triệu lượt khách quốc tế vào 2015

Mục tiêu của ngành du lịch là thu hút được 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35-36 triệu lượt khách nội địa vào 2015.
Du lịch Việt Nam trải qua 50 năm hình thành và phát triển, từ chỗ chủ yếu chỉ phục vụ các đoàn khách là chuyên gia, nay du lịch đã chuyển sang thế chủ động thu hút khách trong và ngoài nước, giới thiệu với thế giới hình ảnh một Việt Nam năng động, hội nhập và trở thành một trong những điểm đến trên thế giới.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

- Thưa ông, ngành du lịch đã đạt được những thành tựu quan trọng nào trong chặng đường 50 năm qua?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Ngày 9/7/2010, du lịch Việt Nam tròn 50 tuổi. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, đối diện với không ít khó khăn thách thức, song ngành du lịch đã không ngừng phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng.

Thành tựu nổi bật của ngành đã đạt được là lượng khách du lịch luôn duy trì được mức tăng trưởng với hai con số.

Nếu năm 1990, du lịch Việt Nam mới đón được 250.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2008, con số này đã lên xấp xỉ 4,3 triệu lượt.

Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tổ chức Du lịch Thế giới đã dự báo phải đến năm 2000, Việt Nam mới đón được 1 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, đến năm 1994, du lịch Việt Nam đã đón người khách quốc tế thứ 1 triệu, năm 2000 đón người khách quốc tế thứ 2 triệu; năm 2005 đón người khách quốc tế thứ 3 triệu và chỉ hai năm sau vào năm 2007, du lịch Việt Nam đã đón được người khách quốc tế thứ 4 triệu.

Khách du lịch nội địa tăng từ 1 triệu lượt năm 1990 lên 25 triệu lượt năm 2009.

Trong giai đoạn 2001-2009, đóng góp của ngành du lịch vào GDP của cả nước luôn đạt ở mức cao nhất, năm 2006 ước đạt 5,44%.

Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành bình quân thời kỳ 2001-2010 đạt 11-11,5%/năm. Nếu so sánh với khối dịch vụ, năm 2008, đóng góp GDP du lịch chiếm khoảng 12,07% trên tổng GDP ngành dịch vụ của cả nước.

Hiệu quả kinh tế-xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét. Phát triển du lịch đã góp phần tạo nhiều việc làm cho xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc; tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; truyền tải giá trị văn hóa đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế và bảo vệ cảnh quan, vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội.

Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại thu nhập không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh du lịch mà gián tiếp đối với các ngành liên quan và cho cộng đồng dân cư địa phương.

Ở đâu du lịch phát triển, ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên-Huế), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết), Bình Châu (Bà Rịa Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long...

Đến nay, hoạt động du lịch đã tạo ra việc làm cho gần 400.000 lao động trực tiếp và khoảng 800.000 lao động gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh niên mới lập nghiệp và phụ nữ.

Sáu tháng đầu năm nay, ngành du lịch đã có bước phục hồi và phát triển bứt phá với việc đón tiếp 2,51 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32,6% so với 6 tháng đầu năm trước, phục vụ khoảng 17 triệu lượt khách nội địa, thu nhập du lịch đạt khoảng 45.000 tỷ đồng, được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp vào nhóm năm nước có tốc độ tăng cao nhất trong sáu tháng qua.

Để đạt được những thành tựu nổi bật như vậy, ngành du lịch đã liên tục phấn đấu vươn lên trong suốt 50 năm qua, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trên một số mặt chủ yếu như nhận thức và quan điểm về phát triển du lịch liên tục được đổi mới và nâng cao; hệ thống quản lý nhà nước về du lịch ngày càng được củng cố, tăng cường, năng lực quản lý dần được cải thiện.

Hệ thống cơ chế chính sách, văn bản pháp quy được từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Tiếp đến, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng kinh doanh du lịch phát triển mạnh, thích nghi dần cơ chế mới, từng bước làm ăn có hiệu quả. Huy động được ngày một nhiều nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đi đôi với phát triển, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường và ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực du lịch được đặc biệt quan tâm đang phát triển nhanh cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Quan hệ hợp tác quốc tế không ngừng được mở rộng, khai thác tốt tiềm lực bên ngoài. Sự phối hợp liên ngành liên vùng được đề cao, đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

- Chiến lược phát triển của ngành trong 10 năm đến 20 năm tới như thế nào, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong khoảng thập niên tới, du lịch Việt Nam phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều yếu tố mới, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước với những thuận lợi, khó khăn đan xen đòi hỏi ngành du lịch phải khai thác được những điểm mạnh trở thành yếu tố thuận lợi và khắc phục những điểm yếu, hạn chế để vượt lên trở ngại.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm nhưng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của đất nước.

Thu nhập du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP nhưng giá trị gia tăng còn thấp; đầu tư du lịch được đẩy mạnh, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhưng nhìn chung chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; sản phẩm du lịch đã có đổi mới, phát triển đa dạng hơn nhưng chất lượng còn hạn chế.

Tất cả những nhân tố này đã góp phần ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của du lịch.

Nhận thức được thực trạng nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đã và đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Những nội dung cơ bản của dự thảo chiến lược đặt ra cho ngành du lịch là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy các ngành liên quan phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mang lại công bằng, tiến bộ xã hội.

Tập trung phát triển du lịch theo hướng hiện đại, bền vững, có chất lượng, có thương hiệu, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế.

Phát triển du lịch bền vững, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa, gắn với quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; khai thác tối ưu lợi thế quốc gia, các nguồn lực trong và ngoài nước; phát huy mạnh vai trò nòng cốt của doanh nghiệp.

Do đó, mục tiêu đặt ra là năm 2015, ngành du lịch phấn đấu thu hút được 7-8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35-36 triệu lượt khách nội địa; thu nhập du lịch đạt 9-10 tỷ USD; GDP du lịch chiếm 6,0-6,5% tổng GDP cả nước; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động (trong đó 620.000 lao động trực tiếp).

Năm 2020, phấn đấu thu hút 11-12 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 45-48 triệu lượt khách nội địa; thu nhập du lịch đạt 15-16 tỷ USD; GDP du lịch chiếm 7-8% tổng GDP cả nước; tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động (trong đó 870.000 lao động trực tiếp).

- Trân trọng cám ơn ông!./.

Xuân Cường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục