Chứng khoán châu Á xuống sau mức tăng ấn tượng

Chứng khoán châu Á ngày 16/4 đi xuống do hoạt động chốt lời và lo ngại tăng trưởng kinh tế mạnh của khu vực làm tăng lạm phát.

Trong phiên giao dịch ngày 16/4, chứng khoán châu Á đi xuống do hoạt động chốt lời và các nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực sẽ làm tăng lạm phát và đẩy lãi suất lên cao.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) giảm hơn 1%, sau khi phục hồi 16% từ mức thấp trong tháng 2/2010.

Cổ phiếu công nghệ thông tin và tiêu dùng dẫn đầu đà giảm của chứng khoán khu vực, trong khi cổ phiếu y tế là nhóm duy nhất tăng nhẹ.

Chỉ số Nikkei-225 giảm 1,49%. Chỉ số chuẩn của Nhật Bản này dẫn đầu đà giảm của chứng khoán khu vực, khi giảm 170,28 điểm, tương đương 1,5%- mức giảm lớn nhất trong hơn 7 tuần, xuống 11.103,51 điểm, khi đồng yen vững giá hơn khiến các nhà đầu tư chốt lời đối với cổ phiếu xuất khẩu.

Trong khi đó, chỉ số Hangseng của Hongkong giảm 292,56 điểm, tương đương 1,32%, xuống 21.865,26 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 34,67 điểm, tương đương 1,1%, xuống 3.130,3 điểm, do cổ phiếu của các công ty bất động sản giảm giá sau khi chính phủ tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với lĩnh vực này.

Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 60,37 điểm, hay 0,74%, xuống 8.111,57 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 17,2 điểm, hay 0,34%, xuống 4.984,7 điểm.

Theo người phụ trách bộ phận chiến lược đầu tư ở AMP Capital Investors, Shane Oliver, sau khi các thị trường tăng ở mức 2 con số kể từ tháng 1/2010, các nhà đầu tư sẽ chốt lời và chuyển sang các tài sản an toàn hơn.

Các thị trường có thể dừng hoặc có sự điều chỉnh ngắn hạn trong thời điểm các công ty báo cáo lợi nhuận quý 1/2010 và Trung Quốc triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ.

Trong khi đó, Giám đốc nghiên cứu ở Sun Hun Kai Financial, Alvin Chong, cho rằng khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng trong khi sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn mong manh sẽ khiến các nhà đầu tư không sẵn lòng đầu tư vào các tài sản rủi ro.

Chiến lược gia Peter Elston ở Aberdeen Asset Management tại Singapore, cho rằng các dấu hiệu tích cực và tiêu cực ở thị trường châu Á là cân bằng. Trong khi đạt tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý 1/2010, Chính phủ Trung Quốc đang bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và giá bất động sản tăng vọt.

Cùng lúc đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, làm gia tăng lo ngại về đà phục hồi của kinh tế nước này, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục