Việt Nam phấn đấu mạnh về CNTT và truyền thông

Ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam đã và đang là ngành kinh tế-kỹ thuật chủ lực, hiện đóng góp khoảng 6,7% GDP cả nước.
Ngày 3/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội nghị Quốc gia về công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2010 với chủ đề "Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị trong các cơ quan chính phủ và triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông."

Hơn 500 đại biểu đại diện của một số bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong nước và quốc tế đã tham dự hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, khẳng định sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật chủ lực của đất nước, đóng góp khoảng 6,7% GDP của cả nước.

Những kết quả nổi bật có thể nhận thấy của ngành công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam trong 10 năm qua là đã nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong xã hội, đặc biệt là ở các cấp lãnh đạo; hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức quản lý nhà nước đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy và phát triển công nghệ thông tin;

Ứng dụng công nghệ thông tin trở nên rộng khắp trong mọi lĩnh vực và phổ biến trong xã hội; hình thành ngành công nghiệp công nghệ thông tin với tốc độ phát triển cao, tổng doanh thu chiếm khoảng 1,9% GDP cả nước và là một trong bảy ngành kinh tế của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những năm qua;

Đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cả về số lượng lẫn chất lượng, cả chính quy và phi chính quy;từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia và uy tín của Việt Nam về công nghệ thông tin-truyền thông ra thế giới, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp của các quốc gia mạnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam trong thời gian tới như việc ứng dụng công nghệ thông tin còn chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, các địa phương; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hội nhập, sinh viên công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp chưa thể gia nhập ngay thị trường quốc tế; vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều bất cập; công nghiệp phần mềm mặc dù phát triển nhanh nhưng thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này chưa cao.

Công nghiệp phần cứng nặng về lắp ráp, hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chưa sản xuất được các sản phẩm thương hiệu Việt giá rẻ phục vụ người tiêu dùng trong nước...

Từ việc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra kế hoạch triển khai "Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông."

Để đạt được các mục tiêu đề ra của đề án, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cần phối hợp triển khai đồng bộ sáu nhiệm vụ trọng tâm gồm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin là một ngành kinh tế mũi nhọn, được đặc biệt quan tâm, ưu đãi đầu tư;

Hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, đảm bảo chất lượng thông tin tốt nhất với độ an toàn cao, không phụ thuộc vào khoảng cách và địa hình; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình;

Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong cơ quan nhà nước doanh nghiệp và xã hội; tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, từng bước sáng tạo ra công nghệ chế tạo sản phẩm mới./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục