Cần quy định rõ danh mục hàng hóa bình ổn giá

QH thảo luận về dự thảo Luật giá với các vấn đề như bình ổn giá thị trường, sự cần thiết phải quy định cụ thể danh mục thuộc diện bình ổn.
Tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, sáng 18/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật giá dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: bình ổn giá thị trường, sự cần thiết phải quy định trong luật các tiêu chí cụ thể và danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, thực hiện biện pháp kiểm tra, kiểm soát, chế tài xử lý các vi phạm trong việc thực hiện chính sách về giá; các tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của nhà nước, loại hàng hóa, dịch vụ.

Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (tỉnh Cao Bằng), dự thảo Luật giá nặng về đảm bảo công việc quản lý nhà nước hơn là đề cao trách nhiệm. Thời gian qua, những biến đổi về giá như:giá nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tăng một cách đột biến, giá lương thực, thực phẩm tăng liên tục... gây khó khăn trong phát triển sản xuất kinh doanh. Nếu xem xét nguyên nhân, do chủ quan nhiều hơn là các tác động từ thế giới và các biện pháp đưa ra chủ yếu là biện pháp tình thế để giải quyết hậu quả. Vì vậy, đại biểu cho rằng cách tiếp cận trong dự thảo Luật này cần phải xem xét kỹ để đạt hiệu quả như mong muốn.

Đại biểu Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) thừa nhận, Pháp lệnh giá được ban hành năm 2002, qua hơn 8 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, việc ban hành Luật giá là cần thiết. Để góp phần hoàn thiện dự án Luật giá, đại biểu đề nghị cần phải có tiêu chí xác định và Quốc hội sẽ xem xét và danh mục bình ổn giá cần được quy định ngay trong luật…

Đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) nhận định: Luật giá ban hành sẽ tạo điều kiện quản lý, điều tiết phù hợp với cơ chế thị trường, thu hẹp phạm vi độc quyền quy định về giá của nhà nước, khuyến khích tạo môi trường cạnh tranh, phù hợp với cam kết của tổ chức kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, về phương pháp, việc điều hành các mặt hàng bình ổn giá là hàng thiết yếu trong điều kiện giá biến động bất thường chưa thể hiện cơ chế rõ ràng. Đối với các mặt hàng đầu vào chiến lược như: than, điện, xăng, dầu, sữa, thuốc… cần có tiêu chí rõ ràng quy định cụ thể trong Luật giá. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trong dự án Luật nguồn hình thành của quỹ bình ổn giá, cơ chế quản lý, sử dụng và minh bạch công khai về nguồn quỹ này, khắc phục tình trạng như vừa qua một số mặt hàng chiến lược, bình ổn giá hình thành quỹ nhưng không kiểm tra, kiểm soát được lãi, lỗ.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (tỉnh Nam Định) đánh giá Luật giá do Chính phủ trình lần này khá tốt, nội dung cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý giá theo cơ chế thị trường và vẫn có sự quản lý của Nhà nước trong những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, một số nội dung cần phải bàn bạc, trao đổi, thảo luận như: danh mục hàng hóa bình ổn giá, thẩm quyền bình ổn giá, vấn đề chuyển giá, gửi giá…

Về thẩm quyền bình ổn giá, đại biểu cho rằng cần giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp bình ổn giá ở địa phương mình khi giá cả biến động bất thường do thiên tai, bão lụt xảy ra.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các ý kiến phát biểu rất có chất lượng, với mong muốn cho dự thảo Luật giá được ban hành sẽ giải quyết được yêu cầu quản lý giá trong nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Đa số các đại biểu đồng ý với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra cũng như tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật, nâng lên từ Pháp lệnh về giá.

Quốc hội sẽ xem xét các ý kiến đề nghị cần xác định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong dự luật, phân loại các nhóm hàng hóa để quy định quản lý cho phù hợp, các hành vi bị cấm, bổ sung chế tài, cơ chế xử lý cụ thể, các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm soát về giá… để đảm bảo Luật giá có chất lượng, minh bạch, rõ ràng và khi ban hành sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, kiểm soát của Nhà nước để phục vụ cho việc bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục