Báo động nạn "ôsin" bị cưỡng bức tại Trung Đông

Theo ILO, hiện có khoảng 600.000 lao động bị "cưỡng bức và mắc kẹt" tại Trung Đông, trong đó rất nhiều trường hợp bị lạm dụng tình dục.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 9/4 công bố cáo cáo cho biết hiện có khoảng 600.000 lao động bị "cưỡng bức và mắc kẹt" tại khu vực Trung Đông, trong đó rất nhiều trường hợp bị lạm dụng tình dục.

ILO đã kêu gọi tiến hành các cuộc điều tra về tình trạng sử dụng lao động tại khu vực này, đặc biệt là chấm dứt hệ thống bảo trợ "Kafala."

Hệ thống "Kafala" rất phổ biến ở các nước Arập nằm ở phía Đông Ai Cập, khu vực có đến 12 triệu lao động nước ngoài. Hệ thống này yêu cầu tất cả lao động nước ngoài phải có người bảo trợ địa phương, thường là chủ lao động, chịu trách nhiệm về hộ chiếu và tình trạng pháp lý của họ. ILO cho rằng hệ thống rất mơ hồ này đã tạo ra tình trạng đối kháng quyền lực không công bằng giữa giới chủ và công nhân.

Báo cáo, dài 150 trang, được ILO công bố tại một hội nghị 2 ngày về vấn đề này tại Amman (Jordan), dựa trên kết quả công trình nghiên cứu được tiến hành tại các nước Jordan, Kuwait, Lebanon và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất trong hai năm. Tại hội nghị này, các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh đến các thách thức trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền lợi và chống lại tình trạng lạm dụng sức lao động ở cả các quốc gia xuất khẩu lao động cũng như nước tuyển dụng lao động nhập cư.

Theo báo cáo, những lao động nhập cư được phỏng vấn cho biết ban đầu họ được thuê giúp việc trong nhà nhưng sau đó bị chuyển đến làm việc tại các trại chăn nuôi cừu, lạc đà và gia súc khác ở sa mạc. Phần lớn trong số họ đến từ các quốc gia châu Á, chủ yếu là từ Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Trong khi đó, một nửa lao động châu Á đang làm việc tại Qatar cho biết họ phải nộp một khoản chi phí (khoảng 550 USD hoặc cao hơn) cho các công ty môi giới và điều này thường khiến họ rơi vào cảnh nợ nần.

Bản báo cáo cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy rất nhiều phụ nữ châu Á và châu Phi bị cưỡng ép trở thành nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục. Trong khi đó, trong các lĩnh vực kinh tế dành cho nam giới như xây dựng, sản xuất, hàng hải và nông nghiệp, chủ lao động thường đưa ra những điều kiện ưu đãi về chỗ ở và điều kiện làm việc, nhưng thực tế ngược lại, thậm chí họ không có được bất cứ công việc nào.

Ngoài ra, trong báo cáo, ILO cũng chỉ trích việc thiếu một hệ thống pháp luật đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư, cho rằng việc không có một cơ chế giám sát hiệu quả sẽ khiến cho người lao động dễ bị cô lập và tổn thương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục