Vì sao Pakistan bỏ quên người duy nhất đoạt Nobel?

Giáo sư Abdus Salam, người đã giành sự ca ngợi trên khắp thế giới về lĩnh vực vật lý lý thuyết, giờ bị quên lãng ngay tại quê hương.
Căn phòng 2 buồng, nơi sinh của người Pakistan duy nhất đoạt giải Nobel, đứng im lặng, trống rỗng, như bằng chứng cho thấy định kiến nặng xung quanh nhà khoa học vĩ đại nhất nước. Giáo sư Abdus Salam, đứa con thần đồng sinh ra trong một gia đình khiêm tốn nằm ở Punjab đã giành sự ca ngợi trên khắp thế giới về lĩnh vực vật lý lý thuyết, giờ bị quên lãng ngay tại quê hương. Ông đã giúp mở đường cho việc phát hiện "hạt của Chúa" mới đây, một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong 100 năm, nhưng khi cả thế giới phấn khích thì Pakistan im lặng. Những lời ca tụng từ phía Ấn Độ, nước có nhà vật lý quá cố Satyendra Nath Bose đóng góp vào sự phát hiện kể trên, cũng chẳng làm suy chuyển Pakistan. Vậy nguyên nhân do đâu? Câu trả lời là trong mắt luật pháp Pakistan, Salam là một kẻ dị giáo. "Người dân của chúng tôi không được giáo dục. Họ chỉ biết rằng đây là nhà của tiến sỹ Salam, một nhà khoa học và họ, bao gồm cả tôi, không hề biết về sự đóng góp của ông. Họ còn biết ông ấy là người Ahmadi," một người địa phương tên Kamran Kishwar, 23 tuổi, cho biết. Là một trong những thị trấn sùng đạo nhất Pakistan, Jhang nằm cách phía Tây Nam Islamabad 300 km. Đây là nhà của hàng ngàn người Ahmadi và căng thẳng đã tăng cao giữa cộng động này và người Hồi giáo chiếm đa số. Người Ahmadi, vốn tin thủy tổ của họ là một vị cứu tinh đứng sau Nhà tiên tri Mohammad, đã bị xem là phi Hồi giáo vào năm 1974, trong khuôn khổ quá trình Hồi giáo hóa đã biến bang Punjab của Pakistan trở thành một trong những nơi ít khoan dung về tôn giáo nhất thế giới. Năm 1984, người Ahmadi bị cấm gọi bản thân là Hồi giáo. Họ bị cấm cầu nguyện, cấm đi hành hương tới Arập Xêút. Sách báo của họ bị cấm tiệt. Các thánh đường Ahmadi bị đóng cửa. Số khác bị coi là xấu xa. Tháng 5/2010, những kẻ đánh bom liều chết đã giết 80 người đang tụ tập ở hai thánh đường trong lễ cầu nguyện thứ Sáu. Những ước mơ tan vỡ Bức chân dung của Salam treo tại ngôi trường cũ của ông và ông đã trả tiền để xây một khối lớp học mang tên cha mình trong những năm 1970. Nhưng người địa phương hiện vẫn đấu tranh với bất kỳ ý định nào quét sạch hình bóng của ông ra khỏi các tòa nhà này. "Nhiều kẻ vẫn muốn loại bỏ tên của tiến sỹ Salam khỏi ngôi trường," Rana Nadeem, một người Ahmadi sống gần nhà Salam cho biết. Ngôi trường đã chẳng còn giống với khi Salam ra đời vào năm 1926, dưới thời thuộc địa Anh. Toàn thị trấn đã tỏa ra đường để chào đón ông, khi ông ghi điểm cao nhất và có cơ hội theo học Đại học Punjab. Sau khi học bằng tiến sỹ tại Cambridge (Anh) ông trở về quê dạy học và còn thành lập một trung tâm nhằm khuyến khích sự phát triển của khoa học đẳng cấp thế giới từ một nước đang phát triển. Nhưng giấc mơ của ông đã tan vỡ. Đồng nghiệp nói rằng các quan chức nhà nước dốt nát đã vùi dập ý tưởng của ông, khiến ông phải trở lại Anh vào năm 1954 để theo đuổi sự nghiệp.

Abdus Salam bị lãng quên ngay trên chính quê hương mình.
Năm 1957, ông được phong giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học Imperial, London và năm 1964, ông thành lập Trung tâm vật lý lý thuyết ở Trieste nhằm phát triển khoa học tiến bộ ở các nước đang phát triển. Ông tiếp tục cố vấn cho Pakistan về khoa học và năng lượng nguyên tử. Ông là cố vấn khoa học chính cho tổng thống trong giai đoạn 1961-1974. Nhưng sau khi thay đổi luật vào năm 1974, một lần về nhà ông lại thấy không khí thù địch tăng lên. Sau khi giành giải Nobel Vật lý vào năm 1979 cùng các nhà khoa học Mỹ Steven Weinberg và Sheldon Lee Glashow, dưới sức ép của các nhóm tín ngưỡng bảo thủ và sinh viên cánh hữu, ông đã bị cấm giảng bài tại các trường đại học nhà nước. Nạn nhân của những cái đầu hẹp hòi Nhưng ở nơi khác như Ấn Độ và Bangladesh, ông được chào đón như người hùng. "Tiến sỹ Salam là một anh hùng vĩ đại và có thể là người Pakistan nổi tiếng nhất thế giới, nhưng ông đã trở thành nạn nhân của sự hẹp hòi về tư tưởng trong xã hội chúng tôi," Hassan Amir Shah, lãnh đạo phòng vật lý tại Đại học Chính quyền, Lahore, đánh giá. Ngay cả năm 1989, nữ Thủ tướng Hồi giáo đầu tiên của Pakistan và thế giới, bà Benazir Bhutto, cũng từ chối gặp Salam vì định kiến nặng với ông. Mặc dù thành tựu của Salam vượt xa cha đẻ quả bom hạt nhân của Pakistan, A.Q. Khan. Tuy nhiên, nhân vật này lại được xem như anh hùng dân tộc, chứ không phải ông. "98% người dân nước này là Hồi giáo nhưng họ vẫn cảm thấy không an tâm và không khoan dung với bộ phận 2% thiểu số," Shah nói. Phải tới năm 2000, Đại học Chính phủ mới thành lập một vị trí tại khoa vật lý mang tên Salam. Đại học cũng có một trong những giảng đường đặt theo tên Salam. Các đồng nghiệp của Salam còn muốn Trung tâm vật lý quốc gia ở Islamabad được đổi thành Trung tâm vật lý Abdus Salam, nhưng nhà chức trách từ chối. Cộng đồng người Ahmadi thì tin rằng ông đã bị phản bội. "Ngay cả sau khi ông được chôn cất, giới chức địa phương vẫn yêu cầu cộng đồng Ahmadi phải bỏ chữ "Hồi giáo" ra khỏi dòng chữ "Người Hồi giáo đầu tiên đoạt giải Nobel" ghi trên bia mộ ông," Shah nói. Dòng chữ này hiện đã bị sơn đè lên, chỉ còn lại mỗi chữ "người đầu tiên đoạt giải Nobel"./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục