Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 tăng 0,55%

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,55% so với tháng 10, và như vậy chỉ số của 11 tháng qua đã tăng 6,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với cách tính dựa trên “rổ” hàng hóa mới và giá kỳ gốc 2009 thay vì giá kỳ gốc năm 2005, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,55% so với tháng 10, tăng 4,35% so với tháng 11/2008 và tăng 5,07% so với tháng 12/2008.

Với tốc độ tăng rõ rệt này, CPI của 11 tháng qua đã tăng 6,91% so với cùng kỳ 2008.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 11 tăng ở 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,03 - 0,87%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông lại giảm 0,05%.

Tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức 0,87% do lương thực tăng giá tới 2,22%, thực phẩm tăng 0,62%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng là 0,75%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác là nhóm tăng mạnh thứ 3 với mức tăng 0,54%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,44%; nhóm giao thông tăng 0,42%.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Giá cả Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, sở dĩ giá lương thực trong nước tháng qua tăng cao là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh việc thu mua thóc lúa trong dân.

Bên cạnh đó, đợt bão lũ nặng nề vừa qua ở miền Trung và Tây Nguyên cũng là một nguyên nhân khiến giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Cùng với lương thực, thực phẩm, việc tăng giá mặt hàng vật liệu xây dựng như sắt thép, ximăng cũng như việc tăng “nóng” giá nhà ở, đất ở tại các thành phố lớn trong thời gian qua đã tạo một lực đẩy khiến CPI tháng 11 tăng mạnh.

Thêm vào đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 11 cũng là nguyên nhân đẩy CPI tăng lên. Ngoài ra, hiện đang là mùa cưới, mùa lễ hội cuối năm nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng do nhu cầu tiêu dùng cao.

Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, giá lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục tăng do ảnh hưởng của hậu quả bão lũ. Giá một số hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu cũng có thể tăng cao do giá USD trên thị trường tăng mạnh.

Thêm vào đó, dịch bệnh hoành hành ở nhiều địa phương khiến nguồn cung sẽ chịu sức ép vào tháng cao điểm mua sắm cuối năm. Theo quy luật thị trường, tháng 12 thường là tháng có mức tăng giá tiêu dùng cao do người dân đẩy mạnh chi tiêu mua sắm cuối năm. Vì vậy, dự báo, CPI tháng 12 sẽ tiếp tục tăng cao hơn tháng 11.

Tuy nhiên, ngay cả với mức tăng mạnh của CPI tháng 12 thì lạm phát năm 2009 cũng chỉ ở mức trên dưới 7%.

Tháng 11, giá vàng tiếp tục biến động mạnh, đạt mức tăng 10,08% so với tháng 10 và là mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay. Với đà tăng này, chỉ số giá vàng 11 tháng qua tăng tới 48,72% so với tháng 12/2008 và tăng 15,73% so với cùng kỳ 2008.

Cùng nhịp với vàng, giá USD đã quay đầu tăng 1,45% so với tháng 10 (tháng 10 giảm 0,35%), đưa giá USD 11 tháng qua tăng 7,28% so với tháng 12/2008 và 9,04% so với cùng kỳ 2008./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục