Khi Trung Quốc tạm biệt tăng trưởng hai con số

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói rằng trong 5 năm tới, chính phủ nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 7%.
Cuối tuần qua, trong một cuộc giao lưu trực tuyến, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói rằng trong 5 năm tới, chính phủ nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 7%.

Với bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới trong bối cảnh hậu khủng hoảng như hiện nay, mức trên có thể coi là “hoành tráng.” Tuy nhiên, với một Trung Quốc tăng trưởng bình quân chóng mặt 10,5% mỗi năm trong 20 năm gần đây, thông điệp đó thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách.

Hai thập kỷ qua đã chứng kiến tăng trưởng nhanh, mạnh là mục tiêu tối thượng của chính sách kinh tế Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng nền kinh tế mới trở thành lớn thứ hai thế giới này luôn cần duy trì tăng trưởng trên 8% mỗi năm để đáp ứng quy mô dân số khổng lồ, duy trì trật tự ổn định xã hội.

Trung Quốc đã đạt được mục tiêu đó một cách đầy ấn tượng bằng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tập trung vốn khổng lồ vào các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng quốc doanh và xuất khẩu. Lấy ví dụ khi tăng trưởng lấy xuất khẩu làm “đầu tàu” có dấu hiệu chậm dần vào cuối năm 2008, Trung Quốc lập tức mở rộng cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng trên đích 8%.

Kết quả là từ 2003 đến nay, GDP Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi (năm 2010 đạt hơn 6.000 tỷ USD). Tuy nhiên, cũng có một giá đắt phải trả, đặc biệt với môi trường.

Giờ đây, ngay cả giới lãnh đạo nước này cũng thừa nhận không thể tiếp tục câu chuyện thần kỳ kinh tế theo chiều hướng như vậy.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bao giờ tìm kiếm tỷ lệ và quy mô tăng trưởng cao bằng cái giá là môi trường. Nó sẽ dẫn đến hậu quả là tăng trưởng không vững vàng với dư thừa công suất công nghiệp và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên.”

Mục tiêu 7% là con số được giới phân tích đánh giá “vừa phải,” đủ duy trì sự ổn định kinh tế lẫn xã hội cho Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có quan điểm lo ngại rằng Trung Quốc đã quá muộn trong việc giảm tốc và viễn cảnh phía trước có thể là tình trạng tăng trưởng còn chậm hơn thế.

Theo quan điểm này, vấn đề then chốt là hầu hết các đầu tư đã giúp Trung Quốc tăng trưởng “siêu nóng” vừa qua đang kém hiệu quả một cách tồi tệ. Vài năm gần đây, phân nửa đầu ra kinh tế của Trung Quốc nằm ở đầu tư. Tỷ lệ này cao hơn quá nhiều so với mức được cho là mang tính bền vững đối với một nền kinh tế ở giai đoạn phát triển như Trung Quốc hiện nay.

Theo nhà phân tích Diana Choyleva tại hãng tư vấn kinh tế độc lập Lombard Street Research, mức này chỉ nên vào khoảng 35% GDP hàng năm.

Hậu quả là thời gian qua đã có vô số câu chuyện về những tòa cao ốc xây xong mà chẳng đỏ đèn, những nhà máy nhôm mới tinh không có khách hàng, những đường cao tốc thênh thang 8 làn xe nằm song song ngay cạnh các con đường mới xây dựng ở đợt đầu tư trước… Đó chính là dư thừa công suất và tiêu tốn tài nguyên mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cảnh báo. Cái giá phải trả là "không sớm thì muộn," hoặc qua tình trạng giá cả tăng chóng mặt, hoặc qua việc tăng trưởng kinh tế giảm chậm lại đáng kể.

Nhưng không chỉ đơn giản là đầu tư quá mức. Nhiều dự án đầu tư gần đây của Trung Quốc vừa tốn kém hơn khả năng thu hồi lợi ích kinh tế mà nó tạo ra, vừa gây thiệt hại nặng nề đến môi trường. Những ước tính cho thấy nếu Trung Quốc muốn “vá víu” tổn thất về môi trường gây ra trong vài thập kỷ tăng trưởng nóng gần đây, chi phí sẽ lên tới từ 2-4% GDP mỗi năm ở tương lai gần.

Đương nhiên, trong ngắn hạn, Trung Quốc cũng có thể lảng tránh việc “sửa chữa” tốn kém này. Nhưng môi trường bị hủy hoại là một vấn đề mang ảnh hưởng dài hạn. Nếu không sớm được khắc phục, nó sẽ làm giảm mạnh quy mô kinh tế trong tương lai.

Tóm lại, như giới lãnh đạo nước này đang khẳng định, đã đến lúc kinh tế Trung Quốc cần tăng trưỏng chậm hơn trong những năm tới. Còn chậm đến bao nhiêu thì còn là tranh cãi. Chính phủ đặt ra mốc 7% nhưng giới phân tích như Choyleva của Lombard Street Research có nhận định rằng thực tế có thể chỉ ở mức bình quân 5% trong thập kỷ này.

Dù thế nào đi chăng nữa, giờ là lời tạm biệt của Trung Quốc với kỷ nguyên tăng trưởng hai con số./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục