Lợi bất cập hại khi tăng diện tích trồng hồ tiêu ồ ạt

Một trong những nguyên nhân chính làm tăng diện tích trồng hồ tiêu một cách ồ ạt là giá cả đang lên cao và người trồng tiêu lãi lớn.
Năm 2012, diện tích trồng mới cây hồ tiêu ở địa bàn Gia Lai có chiều hướng tăng mạnh, tuy chưa xác định được con số cụ thể song dự kiến có thể lên tới vài ba trăm ha, chủ yếu là ở các vùng Chưprông, Mang Yang, Đăk Đoa...

Đáng chú ý là trong số này có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là việc phá vườn cây càphê chuyển sang trồng hồ tiêu.

Một trong những nguyên nhân chính làm tăng diện tích trồng hồ tiêu một cách ồ ạt là giá cả đang lên ở đỉnh cao và người trồng tiêu có lãi lớn.

Trong mấy vụ tiêu gần đây, giá trên thị trường tăng dần qua từng năm, từ 40.000-50.000 đồng/kg năm 2010 và hiện nay, giá 1kg tiêu khô trên thị trường đang dao động ở mức từ 128.000-130.000 đồng/kg và đang có chiều hướng tăng mạnh vào thời điểm cuối vụ.

Tính ra, trồng 1ha hồ tiêu cho năng suất thấp nhất cũng đạt 2 tấn hạt khô thì có mức lãi lên đến khoảng 200 triệu đồng - cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.

Tuy nhiên một thực tế cho thấy, trong những năm gần đây diện tích hồ tiêu chết ở địa bàn đang diễn ra trên diện rộng và đây cũng được coi là một "vấn nạn" chưa có biện pháp nào khắc phục hữu hiệu.

Chỉ tính riêng trong năm 2011, ở vùng trọng điểm hồ tiêu huyện Chư Pưh đã có đến gần 70ha hồ tiêu bị chết do sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt gây hại.

Nhiều gia đình lao đao trước những khó khăn thực tế của cuộc sống, bởi không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng và đầu tư chăm sóc lại vườn cây.

Suất đầu tư để trồng được 1ha hồ tiêu bằng trụ đúc ximăng lên tới hàng trăm triệu đồng, đó là chưa tính lượng phân bón đầu tư hàng năm trước khi đưa vào kinh doanh.

Việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu ồ ạt, không tuân thủ theo quy hoạch và các biện pháp thâm canh theo khoa học sẽ là "lợi bất cập hại" và không tránh khỏi những hệ lụy khi đưa vườn cây vào kinh doanh. Điều này đã được ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cảnh báo từ trước, song giá cả sản phẩm tiêu hạt trên thị trường được đẩy lên quá cao đã làm cho nông dân "chóng mặt."

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 5.000ha hồ tiêu và tập trung ở 2 vùng trọng điểm Chư Sê và Chư Pưh chiếm tới hơn 3.000ha, diện tích còn lại nằm rải rác ở địa bàn các huyện Chưprông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang...

Theo ngành chức năng, đây là con số "lý tưởng" đã được quy hoạch bởi hội đủ điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng để phát triển bền vững./.

Văn Thông (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục