Quy định dùng năng lượng tiết kiệm trong giao thông

Ngày 26/12, Bộ trưởng Giao thông vận tải ký ban hành Thông tư quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giao thông.
Thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; ngày 26/12/2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký ban hành Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT quy định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải.

Kết cấu của Thông tư gồm bảy Điều: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1 và Điều 2). Biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; trong hoạt động vận tải (Điều 3 và Điều 4). Quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu đối với phương tiện vận tải (Điều 6). Chế độ báo cáo thống kê và trách nhiệm của các cơ quan (Điều 7, Điều 8). Hiệu lực thi hành (Điều 9).

Các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải nhằm hướng đến ba nội dung chính gồm: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện vận tải. Các Điều khoản chính trong Thông tư 64 nêu trên đều hướng đến ba nội dung này

Dưới đây là một số quy định cụ thể:

Một là: biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông (Điều 3), gồm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công tác quy hoạch: các biện pháp được quy định ở đây là: đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án khi xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển phương tiện vận tải khối lượng lớn, hiệu suất sử dụng năng lượng cao (đường sắt, đường thuỷ, phương tiện vận tải khác); quan tâm khả năng kết nối các phương thức vận tải.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư xây dựng, cải tạo công trình giao thông: Thông tư cũng quy định các biện pháp cụ thể đối với công tác đầu tư xây dựng, cải tạo như đối với tổ chức, cá nhân khi thiết kế, lập dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phải quan tâm đến các yếu tố như lựa chọn hướng tuyến có cự ly ngắn, lợi dụng dòng chảy, hạn chế độ dốc; lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nhằm giảm khối lượng vận chuyển, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiếp đó là trách nhiệm của đơn vị tổ chức thi công: áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu trong dự án đã được phê duyệt; sử dụng hợp lý máy móc, thiết bị thi công; xây dựng và thực hiện định mức nhiên liệu, định mức ca máy, định ngạch bảo dưỡng sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của máy móc, thiết bị thi công; và trách nhiệm của đơn vị nhận bàn giao khai thác, sử dụng công trình giao thông: thực hiện công tác bảo trì theo quy định, duy trì tình trạng kỹ thuật của công trình nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu trong khai thác vận tải.

Hai là: biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải (Điều 4). Thông tư này xác định biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải gồm hai nhóm nội dung chính. Đó là: tổ chức khai thác vận tải và đầu tư, khai thác sử dụng phương tiện vận tải.

Đối với tổ chức vận tải: Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khi xây dựng phương án tổ chức vận tải phải đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một tiêu chí để lựa chọn phương án. Ưu tiên các phương án: rút ngắn cự ly vận chuyển, nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải, hệ số lợi dụng quãng đường; Khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải; kết hợp các phương thức vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động vận tải tại đơn vị.

Đối với đầu tư và quản lý sử dụng phương tiện vận tải: Thông tư giao tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện định mức tiêu thụ nhiên liệu tại doanh nghiệp; hàng năm có cập nhật, hoàn thiện định mức tiêu thụ nhiên liệu; tự xây dựng định ngạch và thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng tại doanh nghiệp; tuân thủ niên hạn sử dụng của phương tiện và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không bảo đảm mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành.

Ba là: quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu của phương tiện vận tải nhằm quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Điều 5): nội dung Điều này nhằm quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải phải đưa chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu cho 1000 đơn vị sản phẩm vận tải (T.Km, HK.Km) vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật vận hành phương tiện của đơn vị; triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm chỉ tiêu này tại doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, nội dung Thông tư cũng quy định về chế độ báo cáo, thống kê sử dụng năng lượng (Điều 6): theo quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ngành giao thông vận tải (đó là cơ sở sản xuất công nghiệp giao thông vận tải, đơn vị vận tải có mức tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm từ một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên) phải áp dụng các biện pháp nhằm quản lý việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sau đây: thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc ba năm một lần; áp dụng mô hình quản lý năng lượng; xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm và năm năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch; chỉ định người quản lý năng lượng theo quy định của Luật.

Điều 6 Thông tư này quy định trách nhiệm của các Sở Giao thông vận tải trong việc phối hợp với các cơ quan địa phương cập nhật danh sách cơ sở vận tải trọng điểm; trách nhiệm của các Tập đoàn Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ Giao thông vận tải trong việc rà soát cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, hợp kế hoạch, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng của các đơn vị trực thuộc. Quy định thời gian gửi báo cáo kết quả về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 1/2 hàng năm.

Điều 7 Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của Vụ Môi trường, Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc thực thi các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành giao thông vận tải; Thông tư có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục