Nguy cơ xuất hiện chủng virus cúm "liên đại dịch"

ECDC cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 có thể đã thuyên giảm, nhưng các chủng virus cúm theo mùa mới có thể xuất hiện ngay sau đó.
Ngày 8/1, Trung tâm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 có thể đã thuyên giảm trên thế giới, nhưng các chủng virus cúm theo mùa mới có thể xuất hiện ngay sau đó.

Theo ECDC, các chủng virus cúm không "nằm im" mà trái lại, sau mỗi đại dịch cúm ở người, thế giới lại chứng kiến sự xuất hiện của một chủng virus cúm mới nguy hiểm hơn.

Chuyên gia Angus Nicoll thuộc ECDC viện dẫn hai ví dụ điển hình là đại dịch cúm Hongkong (1968-1970) và đại dịch cúm châu Á (1957-1958).

Theo ông Nicoll, virus gây đại dịch cúm Hongkong đã trở nên dễ lây lan hơn trong thời gian từ mùa Đông năm 1968 đến mùa Đông năm 1969. Kết quả là số ca lây nhiễm và tử vong trong mùa Đông thứ hai đã tăng mạnh hơn.

Đại dịch cúm châu Á cũng thuyên giảm trước ngày Giáng sinh năm 1957, nhưng sau đó đã xuất hiện trở lại ngay đầu năm 1958 với số ca tử vong cao hơn năm trước.

Với đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay, ông Nicoll xác nhận số ca lây nhiễm mới đã giảm mạnh trong vài tuần gần đây, nhưng khẳng định vẫn còn quá sớm để tuyên bố đại dịch này đã kết thúc.

Theo ông, sự thuyên giảm này có thể mở đường cho một chủng virus mới, kết hợp gen của một số chủng virus cúm khác, trở thành virus cúm "liên đại dịch".

Ông Nicoll kêu gọi các chính phủ trên thế giới tiếp tục tiêm vắcxin phòng cúm A/H1N1 cho người dân, đồng thời khuyến cáo các hãng dược phẩm không lơ là sản xuất vắcxin phòng cúm A/H1N1 vì vắcxin này có tác dụng phòng ngừa bất kỳ chủng virus cúm theo mùa mới nào nổi lên sau đại dịch.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết virus cúm A/H1N1 cho đến nay đã gây tử vong cho ít nhất 12.799 người trên thế giới.

Các nước châu Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 6.880 trường hợp, tiếp đến là châu Âu với 2.554 trường hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục