100 trống đồng Thanh Hóa mừng Đại lễ 1.000 năm

Các nghệ nhân Thanh Hóa sẽ đúc 100 chiếc trống đồng, với chiếc to nhất có hình 1.000 con rồng, dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Từ niềm đam mê mang tên "Bảo tồn nghề đúc đồng-phục hồi văn hóa Việt", Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghề đúc đồng, phục hồi văn hóa Việt, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa đã dần trở thành một nghệ nhân đúc trống, vinh dự góp mặt vào công tác đúc 100 trống đồng phục vụ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Hồi sinh nghề đúc trống đồng cổ

Là người rất trẻ trong lớp nghệ nhân đúc trống đồng ở Thanh Hóa nhưng Nguyễn Minh Tuấn đã có thâm niên 12 năm chuyên sưu tầm, phục chế cổ vật mà chủ yếu là đồ đồng và trên 3 năm theo nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Khi mới vào nghề, anh Tuấn chỉ nghĩ mình sẽ sưu tầm các hiện vật bằng đồng chứ chưa hề có khái niệm gì về việc đúc trống đồng. Tuy nhiên, sau những lần tìm thấy đồ đồng cùng những hoa văn, họa tiết kỳ lạ của người xưa đã dấy lên trong Tuấn niềm say mê không thể dứt bỏ.

Hơn chục năm sưu tầm và từng bước mày mò phục chế, tái tạo những đồ đồng tìm được, Nguyễn Minh Tuấn bước những bước dài hơi hơn khi phục chế thành công các cổ vật bằng đồng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và một số bảo tàng địa phương khác.

Do có trong tay bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn đủ kiểu dáng, chủng loại nên Tuấn đã cùng các cộng sự bắt tay nghiên cứu, phục dựng những họa tiết, hoa văn trên mặt trống, thân trống và tái tạo trên những phiên bản mới. Bắt đầu từ đấy, Nguyễn Minh Tuấn quyết tâm “chinh phục” nghề đúc trống đồng.

Dưới sự giúp đỡ của Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh và Hội cổ vật Thanh Hóa, Nguyễn Minh Tuấn đã được tiếp xúc nhiều hơn với các nguyên bản trống đồng và các chuyên gia về trống đồng của xứ Thanh cũng như của Việt Nam. Sau một thời gian dài nghiên cứu và tìm tòi, anh đã rút ra quy trình cơ bản để phục dựng trống đồng.

Anh chia sẻ: “Có lần đúc xong, dỡ khuôn ra chỉ được 1 nửa cái trống, có lần được nguyên vẹn nhưng mặt trống lại lỗ chỗ... Mỗi lần đúc trống là một lần trình độ tay nghề được nâng cao, những hạn chế trong quy trình đúc đồng dần dần được khắc phục."

Sau nhiều lần thử nghiệm, cách đây 2 năm anh Tuấn mới đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên.

Mới đây, Nguyễn Minh Tuấn và Thiều Quang Tùng - một nghệ nhân đúc trống đồng có tiếng ở xứ Thanh đã kết hợp đưa ra quy trình kỹ thuật đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống trong hội thảo khoa học cùng tên tổ chức ở Thanh Hoá với sự có mặt của đông đảo chuyên gia, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về trống đồng.

Hiện nay, ở xứ Thanh, cái tên Nguyễn Minh Tuấn được nhắc đến như một nghệ nhân trẻ nhất đã thành công với nghề đúc trống đồng truyền thống của cha ông.

Đúc 100 trống đồng phục vụ Đại lễ 1000 năm

Dù đã nhiều lần tham gia và thành công trong các cuộc thi, các cuộc trình diễn đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống tại Festival Huế, Liên hoan văn hóa Việt-Nhật...nhưng 2010 mới là năm đánh dấu bước ngoặt lớn của Nguyễn Minh Tuấn cũng như Trung tâm Bảo tồn nghề đúc đồng, phục hồi văn hóa Việt.

Đó là việc cơ sở của Tuấn được Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh “giao” nhiệm vụ đúc 50 trong tổng số 100 chiếc trống đồng để phục vụ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

50 chiếc trống nữa sẽ giao cho cơ sở đúc của nghệ nhân Thiều Quang Tùng ở Đông Tiến, Đông Sơn.

Nguyễn Minh Tuấn cho biết 49/50 chiếc trống do cơ sở của anh đúc (là phiên bản của trống đồng Quảng Xương và trống đồng Hoàng Hạ) và 50 chiếc trống ở cơ sở của Thiều Quang Tùng (phiên bản của trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Đông Sơn) sẽ có cùng kích cỡ với đường kính mặt trống 60cm, chiều cao thân trống là 48cm.

Trên hông trống sẽ có hình triện vuông trong đó có hình 2 con rồng, hình Khuê Văn Các và dòng chữ "Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội”.

Riêng chiếc trống to nhất có đường kính mặt là 1m, cao 79cm có hình 1.000 con rồng – vật phẩm đặc biệt cùng 99 chiếc còn lại dâng lên Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, sẽ được cơ sở của anh đúc vào ngày 10/3 Âm lịch tức ngày giỗ tổ Hùng Vương tới đây.

Hiện, cơ sở của anh đã chuẩn bị sẵn sàng 3,5 tấn đồng nguyên chất để đúc 49 chiếc trống nhỏ và khoảng 350 tạ đồng để đúc chiếc trống đặc biệt này.

Điều đáng nói ở đây, 100 chiếc trống đồng phục vụ Đại lễ 1000 năm không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu như đẹp về hình thức, chuẩn về kỹ thuật mà còn phải thực sự là một nhạc khí. Bởi 100 chiếc trống này sẽ phục vụ cho tiết mục đánh trống đồng, mở màn Chương trình lễ hội 1000 năm Thăng Long–Hà Nội.

Ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh cho biết vào khoảng giữa tháng 8/2010, toàn bộ 100 chiếc trống đồng này sẽ hoàn thành, sẵn sàng phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Được biết, Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh đã mang dàn trống đồng gồm 6 chiếc trống đồng đã được đúc ở cơ sở của Thiều Quang Tùng và Nguyễn Minh Tuấn để biểu diễn màn đánh trống đồng mở đầu trong chương trình ca nhạc “Xuân Quê hương 2010” dành riêng cho kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện hôm 6/2/2010 (ngày Tết ông Công, ông Táo).

Đây là 6 chiếc trống đồng đúc đầu tiên trong số 100 trống chào mừng Đại lễ 1000 năm./.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục