Việt-Lào nhắm kim ngạch 2 tỷ USD vào năm 2015

Hai Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Somsavad Lengsavath thống nhất phương hướng, nhiệm vụ hợp tác kinh tế, giáo dục thời gian tới.
Chiều 9/4, tại Hà Nội, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Lào họp phiên thứ 33 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào-Việt Nam Somsavad Lengsavath; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath đã cùng thống nhất phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật trong thời gian tới.

Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015; gắn hợp tác đầu tư với thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chế biến vào mỗi nước nhằm tạo sản phẩm, giao lưu hàng hóa, tăng kim ngạch thương mại. Bên cạnh đó, hai nước thúc đẩy, khuyến khích việc hợp tác đầu tư kinh doanh giai đoạn 2011-2015 là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, tạo sức mạnh mới trong sản xuất cho mỗi nước.

Hai nước tập trung vào các dự án có tính chiến lược, tăng cường sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường mỗi nước và của thế giới, góp phần thức hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa trong 10 năm tới, đưa nước Lào thoát khỏi nước kém phát triển vào năm 2020.

Việt Nam sẽ tiếp tục cấp học bổng đào tạo cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam theo chương trình đại học và sau đại học, các ngành, nghề với số lượng tăng bình quân 10% học bổng/năm. Lào tiếp nhận đào tạo cán bộ, học sinh Việt Nam sang học chính quy dài hạn tập trung tại Lào theo các chương trình đại học, sau đại học. Cụ thể, trong năm nay, Chính phủ Việt Nam giành 695 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cũng đã thống nhất xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin tư liệu, khoa học công nghệ kết nối với mạng lưới của từng nước và giữa hai nước; thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm xây dựng cơ chế chính sách quản lý khoa học, công nghệ.

Hai bên phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước; tập trung tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế. Đồng thời, hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhau nhằm mục tiêu thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong hợp tác kinh tế.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Việt Sinh báo cáo việc thực hiện Chiến lược kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước giai đoạn 2001-2010 cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Hai bên đã có nhiều cố gắng thực hiện các thỏa thuận, cùng nhau giải quyết các vấn đề nảy sinh, tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Về hợp tác thương mại, hai bên tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi giảm 50% thuế suất, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước; thực hiện thuế suất 0% đối với các mặt hàng được nằm trong Danh mục hàng hóa ký kết giữa hai nước. Năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Lào đạt 490 triệu USD, tăng 17% so với năm 2009.

Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì ở một trong ba vị trí dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Lào. Tính đến tháng 12/2010, đã có 248 dự án với số vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực như khai khoáng, điện, nông nghiệp, dịch vụ...

Trong năm 2010, Chính phủ Việt Nam tiếp tục dành 650 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam. Đến nay, tổng số cán bộ, học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam năm 2010-2011 gần 4.710 người.

Tuy nhiên, kết quả hợp tác cụ thể còn những hạn chế nhất định, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nước; chất lượng đào tạo chưa thực sự chuyển biến theo yêu cầu đề ra; hợp tác thương mại chưa vững chắc, thị phần và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường mỗi bên còn thấp và tiến độ triển khai và chất lượng một số dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ chưa đáp ứng yêu cầu của hai bên.

Đồng thời, hợp tác trong lĩnh vực giao thông chưa đáp ứng nhu cầu về giao lưu kinh tế và phục vụ cho hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước...

Tại kỳ họp này, Chính phủ hai nước đã ký kết hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2015 và thỏa thuận chiến lược về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2020./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục