Xây dựng chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính

Nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn là phát huy vai trò của chuyên gia tư vấn độc lập trong xây dựng chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính.
Chiều 10/4, tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhiệm vụ của Hội đồng sẽ nặng nề, rộng lớn hơn, trực tiếp xử lý những vấn đề quan trọng trong việc tư vấn cho Thủ tướng những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính của cả nước.

[Thành lập Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính]

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ gồm 26 cơ quan, tổ chức thành viên, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm điều phối hoạt động của Hội đồng; bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng và huy động các đơn vị chức năng của Bộ và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan tham gia các hoạt động của Hội đồng; nghiên cứu các sáng kiến cải cách quy định hành chính do các thành viên Hội đồng đề xuất trước khi Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hội đồng có trách nhiệm tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nền hành chính Việt Nam dù đã và đang cải cách với nhiều bước khác nhau, nhưng thủ tục hành chính hiện vẫn còn bất cập, tồn tại, chi phí thủ tục lớn, mất nhiều thời gian đi lại của cán bộ, nhân dân làm người dân, doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng; môi trường đầu tư chưa đạt yêu cầu, thậm chí có những điểm mức độ cạnh tranh thấp hơn so với các nước do những khuyết điểm về thủ tục.

Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế liên tục được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và tiếp tục được xác định là trọng tâm trong giai đoạn 2011-2020.

Cải cách thủ tục hành chính phải thường xuyên, liên tục đổi mới thì mới cải thiện được môi trường đầu tư, hội nhập quốc tế tốt hơn, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp xúc với một nền hành chính công khai minh bạch, giảm chi phí thủ tục.

Phó Thủ tướng chỉ rõ nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn là tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của các tổ chức và chuyên gia tư vấn độc lập trong việc xây dựng thể chế, phản biện các thể chế, thủ tục, xây dựng chuẩn mực quốc gia về thủ tục hành chính. Đặc biệt là các tổ chức ngành nghề, những người sát với hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đóng góp vào môi trường dân chủ này.

Hành chính không được đổi mới toàn diện, không được cập nhật thường xuyên, các thông tin tiếp tục theo lối mòn thì không sát với đời sống, bệnh quan liêu xuất hiện. Các sáng kiến của thành viên trong Hội đồng rất quan trọng, chống quan liêu, xa dân, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Nhấn mạnh thành lập Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính với những thành phần rộng lớn nhằm tăng cường đối thoại giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Hội đồng có sáng kiến nhằm nâng cao cải cách thủ tục hành chính, có ý kiến phản biện chính sách, tư vấn nâng cao khả năng phản biện xã hội về những vấn đề bất cập hiện nay; đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; tổ chức đánh giá chính xác khách quan về cải cách thủ tục hành chính tại các bộ ngành địa phương; đồng thời làm tốt công tác truyền thông để thu hút sự ủng hộ tham gia của người dân, doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng tin tưởng với thành phần đông đủ các đại diện, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ đóng góp vào việc giải quyết những bức xúc về thủ tục hành chính./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục