Kiểm soát thị trường mũ bảo hiểm kém chất lượng

Hiện nay tại Việt Nam, các cơ sở xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng và không đăng ký giấy phép hợp pháp vẫn hoạt động và khó kiểm soát.
Hiện các cơ sở xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng và không đăng ký giấy phép hợp pháp vẫn hoạt động và khó kiểm soát.

Các cơ sở này thường chọn những nơi hẻo lánh làm địa điểm sản xuất và thường xuyên di chuyển khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng vẫn sử dụng và đội các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, chỉ nhằm đối phó với công an mà chưa quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm cũng như sinh mạng chính mình.

Tại buổi tọa đàm trao đổi về chất lượng mũ bảo hiểm giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ngành hàng mũ bảo hiểm diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/9, đại diện công ty Chí Thành cho biết so với năm 2008, sản lượng của công ty giảm mạnh. Số lượng lao động giảm từ 800 người xuống còn khoảng hơn 300 người.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật - Tiêu chuẩn - Đo lường -Chất lượng 3 (Quatest 3) nhận định thị trường mũ bảo hiểm trong nước do các doanh nghiệp nội chiếm lĩnh, trong hai năm qua không có lô mũ bảo hiểm ngoại nào được nhập khẩu.

Tuy nhiên, do phải cạnh tranh với mũ bảo hiểm "dỏm," kém chất lượng nên chỉ còn khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm duy trì được chất lượng, hàng loạt doanh nghiệp khác đã ngưng sản xuất.

Việc quản lý và ngăn chặn tình trạng mũ bảo hiểm được bày bán và sử dụng phổ biến trên thị trường hiện nay, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Chi Cục quản lý thị trường thành phố và doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý hàng hóa bày bán bất hợp pháp trên các tuyến đường, vỉa hè và Chi cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục