UNESCAP tích cực hỗ trợ Afghanistan phát triển

UNESCAP sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan phát triển

UNESCAP sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan chuyển từ xung đột sang phát triển qua hỗ trợ kết nối nước này với động lực tăng trưởng khu vực.
UNESCAP sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan chuyển tiếp từ xung đột sang phát triển thông qua hỗ trợ kết nối nước này với các động lực tăng trưởng kinh tế khu vực.

Điều này được Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), Noeleen Heyzer đã khẳng định ngày 28/3, tại Hội nghị hợp tác kinh tế khu vực lần thứ 5 về Afghanistan tổ chức ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan.

Với vị thế và vai trò của mình, UNESCAP chia sẻ các bài học và kinh nghiệm thành công của các nước châu Á-Thái Bình Dương về kinh tế và đầu tư xã hội trong các quá trình chuyển tiếp này.

Bà Heyzer nhấn mạnh hợp tác kinh tế khu vực là chìa khóa đảm bảo ổn định và thịnh vượng lâu dài của Afghanistan, tương lai của Afghanistan quan trọng không chỉ đối với châu Á-Thái Bình Dương mà cả thế giới.

Chiến lược hợp tác kinh tế khu vực sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội Afghanistan.

Các nước chậm phát triển nhất và các nước nằm sâu trong lục địa như Afghanistan là tiêu điểm của UNESCAP về tăng cường kết nối kinh tế châu Á với những sáng kiến thành công như các mạng lưới đường cao tốc châu Á và mạng lưới đường sắt xuyên Á.

Vị trí địa lý chiến lược của Afghanistan như là đầu cầu vào trung tâm châu Á làm cho nước này có tiềm lực quan trọng cả về kinh tế lẫn xã hội.

UNESCAP phối hợp với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực cùng với Afghanistan khơi dậy tiềm năng này thông qua đổi mới quan hệ đối tác nhằm tập trung vào 3 lĩnh vực hành động: phục hồi, nối kết và hội nhập lớn hơn của Afghanistan vào nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.Thư ký chấp hành UNESCAP nêu rõ rằng châu Á nổi lên từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.

Để duy trì động lực này, châu Á cần phát triển các thị trường khu vực, trong đó Trung Á là khu vực quan trọng trong sự phát triển này.

Thông điệp quan trọng được rút ra từ các quá trình chuyển tiếp thành công ở châu Á-Thái Bình Dương là tăng cường khuôn khổ xã hội, trong đó đặt con người, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, vào trung tâm của chương trình nghị sự chính sách, thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội để đảm bảo những thành quả phát triển khó khăn mới giành được không bị "xóa sạch" bởi những biến động bên trong cũng như bên ngoài.

Đây là lý do UNESCAP hỗ trợ tích cực quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa của Afghanistan cũng như các nền kinh tế châu Á khác vào sự tăng trưởng của một châu Á rộng lớn hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục