Argentina kiện Ghana vụ bắt nợ tàu chiến Libertad

Argentina đã đệ đơn kiện Ghana lên Tòa án Quốc tế sau khi thời hạn trả tự do tàu chiến Libertad đang bị bắt nợ chấm dứt vào ngày 13/11.
Ngày 14/11, Argentina đã đệ đơn kiện Chính phủ Ghana lên Tòa án Quốc tế về luật biển tại thành phố Hamburg, Đức sau khi thời hạn trả tự do cho chiếc tàu chiến Libertad đang bị bắt nợ tại quốc gia châu Phi này chấm dứt vào ngày 13/11.

Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman đã xác nhận thông tin trên.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Ngoại trưởng Timerman nhấn mạnh Argentina yêu cầu Chính phủ Ghana ngay lập tức trả tự do cho tàu Libertad để tàu này có thể nhanh chóng rời cảng Tema, nơi tàu bị bắt nợ.

Phía Argentina cũng yêu cầu Tòa án trên buộc Chính phủ Ghana phải nhận trách nhiệm và bồi thường trước hành động bắt giữ mà Buenos Aires coi là bất hợp pháp.

Căng thẳng xung quanh vụ Ghana bắt giữ tàu chiến Libertad của Argentina có chiều hướng gia tăng khi hồi tuần trước, các thủy thủ đoàn đã cảnh cáo nổ súng nhằm ngăn cản việc di chuyển tàu sang một địa điểm khác để không ảnh hưởng tới hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng.

Căn cứ lệnh của một thẩm phán Ghana, tàu trên phải được di dời, tuy nhiên phía Argentina đã khiếu nại trước tòa án cấp cao hơn về quyết định này.

Trong khi đó, phía Ghana ngày 12/11 cũng đã thông báo sẽ kiện tàu Libertad ra tòa vì không tuân thủ luật pháp Ghana.

[Argentina và Ghana căng thẳng vì vụ bắt tàu chiến]


Tàu Libertad bị bắt giữ từ ngày 2/10 vừa qua theo lệnh của tòa án Ghana, sau khi quỹ đầu tư NML Capital Ltd kiện Chính phủ Argentina vẫn chưa thanh toán khoản hơn 300 triệu USD trái phiếu đã mua trước khi nước này tuyên bố vỡ nợ năm 2001.

NML Capital thuộc sở hữu của tỷ phú người Mỹ Paul Singer, nhà tài phiệt chuyên mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi.

Quỹ này không chấp nhận tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ do Chính phủ Argentina triển khai năm 2005 và 2010, trong khi 93% những người mua trái phiếu đã chấp thuận.

Argentiana coi vụ bắt giữ là bất hợp pháp vì theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, tàu chiến được hưởng quy chế miễn trừ chủ quyền./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục