"Việt Nam sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn mong đợi"

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định vẫn tiếp tục viện trợ vốn ODA cho Việt Nam vì Chính phủ đã sử dụng nguồn vốn này rất hiệu quả.
Sau thảm họa động đất, sóng thần, công tác tái thiết đất nước của Nhật Bản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn xác định Việt Nam là một đối tác quan trọng nên Chính phủ nước này vừa quyết định vẫn tiếp tục viện trợ vốn ODA để hỗ trợ Việt Nam.

Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Motonori Tsuno, Trưởng đại diện Văn phòng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) xung quanh những vấn đề này.

- Vì sao Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang phải tái thiết lại đất nước sau thảm họa động đất và sóng thần, thưa ông?

Ông Motonori Tsuno: Sau thảm họa động đất, sóng thần, công tác tái thiết đất nước của Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam là một đối tác quan trọng của Nhật Bản nên Chính phủ Nhật Bản xác định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Điều này phù hợp với định hướng quan hệ đối tác chiến lược mà Chính phủ hai nước đã xác định. Năm 2010, Việt Nam đã bước vào ngưỡng nước có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu tiên.

Thời gian tới, cùng với việc tự do hóa mậu dịch trong khu vực, để Việt Nam cạnh tranh, đuổi kịp với một số nước trong khu vực thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.

Mặt khác, với nền kinh tế ngày càng mở rộng thì nhu cầu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ còn rất lớn, nếu chúng ta chỉ dựa vào vốn ODA không thì sẽ khó đáp ứng được tất cả các nhu cầu đó, vì vậy đối với những công trình hạ tầng kỹ thuật mà có khả năng thu hồi vốn cao thì chúng ta sẽ phải tính đến việc huy động vốn của tư nhân (hình thức công tư - PPP) để xây dựng các công trình đó, tôi nghĩ trong tương lai hình thức này sẽ được nhân rộng hơn.

Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp các khoản vốn vay ODA, Nhật Bản đang cùng Chính phủ Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách, đẩy mạnh hình thức hợp tác PPP trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam hiện nay?

Ông Motonori Tsuno: Nhật Bản đã hỗ trợ ODA cho Việt Nam từ năm 1992. Từ đó đến nay, rất nhiều công trình hạ tầng về giao thông, điện lực, môi trường, phát triển nông thôn đã hoàn thành và đạt được mức nhiều hơn chúng tôi mong đợi.

Ngoài ra, một đặc điểm đặc trưng của ODA tại Việt Nam là song song với việc cung cấp nguồn vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi còn thực hiện các hoạt động hợp tác kỹ thuật để đào tạo con người, giúp cải thiện cơ chế chính sách.

Ở Việt Nam, hai hình thức vốn vay và hợp tác kỹ thuật đã được kết hợp thống nhất, tạo hiệu quả cao. Việc Nhật Bản những năm gần đây mở rộng quy mô thực hiện ODA đối với Việt Nam và gần đây là trong bối cảnh Nhật Bản hứng chịu thiên tai, lý do một phần là quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã sử dụng rất có hiệu quả nguồn vốn này.

- Xin ông cho biết Việt Nam hiện là nước đứng ở vị trí nào trong số các nước nhận viện trợ của Nhật Bản?

Ông Motonori Tsuno: Nhật Bản cung cấp ODA cho khoảng 100 nước trên thế giới và trong số đó, Việt Nam là nước nhận viện trợ đứng thứ 2, sau Ấn Độ. ODA cho Ấn Độ có quy mô cấp khoảng 2 tỷ USD/năm, chủ yếu là các dự án hạ tầng về đường sắt, điện lực…

Tuy nhiên, Ấn Độ là quốc gia có dân số lớn hơn Việt Nam  rất nhiều cho nên nếu theo tỷ lệ đầu người thì Việt Nam là nước nhận ODA Nhật Bản quy mô lớn nhất.

- Thưa ông, hiện có ý kiến cho rằng số nợ công của Việt Nam là khá lớn. Là nhà tài trợ song phương lớn của Việt Nam, Nhật Bản có lo lắng về khả năng trả nợ của Việt Nam hay không?

Ông Motonori Tsuno: So với quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, mức nợ công của Việt Nam chưa phải là quá lớn để mà lo lắng. Đây không chỉ là nhận định của chúng tôi mà còn là của các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á. Vì thế, để tiếp tục thực hiện cung cấp các khoản vốn vay cho Việt Nam, chúng tôi đã phải xem xét đến cả khả năng trả nợ của Chính phủ Việt Nam.

Mặt khác, thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tôi tin rằng những chính sách này của Chính phủ Việt Nam sẽ đạt kết quả và như vậy đồng nghĩa với việc sử dụng vốn vay sẽ hiệu quả hơn nữa./.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục