Thanh Hóa tích cực hợp tác với địa phương của Lào

Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, Lào phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tỉnh trong 5 năm tới đạt 25 triệu USD trở lên.
Từ ngày 10-16/8/2012, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) tổ chức Tuần lễ văn hóa Việt-Lào tại hai tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phong phú.

Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt-Lào 2012, kỷ niệm 35 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác (18/7/2012), 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/2012), đồng thời kỷ niệm 45 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn (1967-2012).

Thực hiện đường lối, chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước, lãnh đạo 2 tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân hai tỉnh tăng cường các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh nhằm bảo bệ và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào nói chung và hai tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn nói riêng.

Từ năm 2006 đến nay, hai tỉnh đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Hàng năm, hai tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc họp cấp cao đánh giá tình hình thực hiện hợp tác về mọi mặt và ký kết nội dung hợp tác giữa hai tỉnh cho năm tới.

Hai tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, trao đổi, mua bán hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân hai tỉnh nhất là nhân dân vùng biên giới.

Hoạt động thương mại giữa hai tỉnh từng bước phát triển, đảm bảo đúng quy định của hai bên. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi mậu dịch qua các cửa khẩu từ năm 2006 đến nay đạt trên 27.000 USD. Các doanh nghiệp Thanh Hóa đã tham gia phát triển sản xuất, nhận thầu thi công các công trình cơ sở hạ tầng, công trình dân dụng tại tỉnh Hủa Phăn.

Tính đến nay đã có 42 dự án của các doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang đầu tư tại Hủa Phăn với tổng vốn đầu tư 13,5 triệu USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hủa Phăn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cùng với Ty Nông lâm nghiệp Hủa Phăn ký thỏa thuận về phòng chống cháy rừng, bảo vệ môi trường đầu nguồn biên giới. Chi cục lâm nghiệp Thanh Hóa đã mở lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng nguyên sinh cho trên 100 cán bộ của Ty nông lâm nghiệp Hủa Phăn.

Trên lĩnh vực văn hóa, trường Đại học Hồng Đức và trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã tiếp nhận và đào tạo gần 150 lưu học sinh của tỉnh Hủa Phăn theo học các chuyên ngành sư phạm, toán tin quản trị kinh doanh, y tế, nông lâm.

Ngành y tế Thanh Hóa đã giúp ngành y tế Hủa Phăn mở một số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật thực hành cho cán bộ, nhân viên y tế nâng cao nghiệp vụ tay nghề trong khám và điều trị bệnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của Thanh Hóa đã khám và điều trị cho trên 2.300 lượt cán bộ và nhân dân tỉnh Hủa Phăn...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Thanh Hóa trong 5 năm qua đã dành trên 31 tỷ đồng để giúp tỉnh Hủa Phăn đầu tư xây dựng các công trình như: Trường cấp 3 Phăn Xăm, cầu bắc qua sông Năm Săm, thị xã Sầm Nưa, trường chính trị-hành chính tỉnh Hủa Phăn...

Bên cạnh đó, trong năm 2011, Thanh Hóa đã giúp Hủa Phăn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và giao lưu văn hóa dọc hai bờ sông Mã.

Các doanh nghiệp Thanh Hóa cũng đã tổ chức hai đợt quyên góp để xây dựng nhà tình nghĩa và thành lập quỹ khuyến học cho học sinh, sinh viên Lào với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng. Các sở, ban, ngành dọc biên giới của Thanh Hóa đã giúp các ngành, huyện của Hủa Phăn về vật chất, kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng...

Cùng với hợp tác phát triển kinh tế, hai tỉnh đã tích cực, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang, đặc biệt là nhân dân vùng biên giới hiểu rõ và thực hiện tốt Hiệp định về quy chế biên giới Quốc gia giữa hai nước và các văn bản ký kết khác giữa hai tỉnh.

Hai tỉnh cũng đã phối hợp tốt việc triển khai công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Đến nay, hai tỉnh đã hoàn thành 100% việc khảo sát xác định vị trí cắm mốc và đã xây dựng xong 72 vị trí (76 cột mốc).

Tháng Bảy vừa qua, hai tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn đã tổ chức khánh thành cột mốc đại 281 và công bố quyết định nâng cấp Cửa khẩu Tén Tằn-Xổm Vẳng thành cửa khẩu quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Hủa Phăn đã phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tiến hành tìm kiếm, cất bốc gần 600 bộ hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào về nước...

Hai tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tỉnh trong 5 năm tới đạt 25 triệu USD trở lên. Thanh Hóa sẵn sàng tạo điều kiện và ưu tiên để các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ gia đình của tỉnh Hủa Phăn sang nghiên cứu, học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, phát triển các loại hình doanh nghiệp và công tác khuyến nông, khuyến lâm, đầu tư kinh doanh của Thanh Hóa.

Tỉnh Hủa Phăn tạo điều kiện và ưu tiên các nhà đầu tư của Thanh Hóa được tham gia thực hiện các dự án đầu tư trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến lâm sản, thủy điện, thăm dò và khai thác khoáng sản, trồng cây lương thực, trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu và trồng luồng, trồng rừng phát triển kinh tế.

Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa sẽ đảm bảo nguồn kinh phí để nâng thêm chỉ tiêu đào tạo cho tỉnh Hủa Phăn từ 25-30 chỉ tiêu trong kế hoạch học hệ cao đẳng, đại học. Hai tỉnh thống nhất chủ trương chuẩn bị thành lập phân hiệu trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa tại trường chính trị hành chính tại huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn để thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo giữa hai tỉnh, hai Nhà nước.

Đồng thời, hai bên xúc tiến các tour du lịch Hủa Phăn-Thanh Hóa, tạo điều kiện cho khách du lịch nước thứ 3 qua cửa khẩu quốc tế Na Mèo-Nậm Xôi.

Tỉnh Thanh Hóa cũng cam kết trong giai đoạn 2011-2015 sẽ viện trợ cho Hủa Phăn 3 triệu USD để đầu tư xây dựng trường Chính trị-Hành chính tỉnh tại thị trấn Viêng Xay và nâng cấp tuyến đường từ huyện Sầm Tớ đến cửa khẩu Bát Mọt. Hai tỉnh cũng thống nhất phấn đấu hoàn thành việc cắm mốc trên thực địa vào cuối năm 2012./.

Nguyễn Mai Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục