VN trở lại thị trường trái phiếu quốc tế suôn sẻ

Tờ "Tài chính châu Á" của Hongkong đánh giá sau 4 năm vắng bóng, Việt Nam đã trở lại thị trường trái phiếu quốc tế một cách suôn sẻ.
Tờ "Tài chính châu Á" của Hongkong ngày 27/1 viết sau 4 năm vắng bóng, Việt Nam đã đánh dấu sự trở lại thị trường trái phiếu quốc tế với đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thời hạn 10 năm diễn ra suôn sẻ hơn so với những đợt phát hành trái phiếu của Indonesia và Philippines vào đầu tháng.

Theo tờ báo uy tín này, vào rạng sáng 26/1 (giờ Hongkong), Việt Nam đã tung ra 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế thời hạn 10 năm trong đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thứ hai kể từ tháng 10/2005. Ban đầu, mức lợi tức được xác định vào khoảng từ 6,95% đến 7%. Cuối cùng, trái phiếu được giao dịch với lãi suất danh nghĩa (coupon) 6,75%/năm, theo đó lợi tức phát hành là 6,95%.

Đúng như tuyên bố tự tin sẽ thu hút được số lượng đáng kể đặt mua của Tổ hợp bảo lãnh bao gồm 3 tập đoàn tài chính hàng đầu quốc tế là Barclays Capital, Citi và Deutsche Bank, danh sách đăng ký tham gia đặt mua lên tới 200 tài khoản với tổng giá trị đăng ký đạt 2,4 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần lượng phát hành. Các chuyên gia tài chính đã phán đoán chính xác việc những nhà đầu tư có uy tín bị hấp dẫn bởi trái phiếu này.

Xếp hạng tín nhiệm của Standard and Poor’s với trái phiếu Việt Nam là BB (cao hơn 1 bậc so với những quốc gia trong khu vực như Philippines và Indonesia, đều BB-) trong khi theo xếp hạng của Moody’s Investors Service thì Việt Nam ở mức Ba3 (thấp hơn 3 bậc so với mức chuẩn của đầu tư trái phiếu Baa3).

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực củng cố uy tín trước khi phát hành trái phiếu trong bối cảnh tình hình lạm phát hiện nay ở Việt Nam có thể ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư. Kết quả là trái phiếu đã thu hút được sự quan tâm từ những luồng vốn chất lượng. Phân bổ cụ thể cho thấy 56% giao dịch thuộc về các nhà đầu tư Mỹ, 16% là các nhà đầu tư châu Âu và 28% là châu Á.

Một nguồn tin đánh giá hoàn cảnh cho việc định giá trái phiếu quốc tế Việt Nam vừa qua là “gió đổi chiều” sau những bất định trên thị trường hồi tuần trước. Đầu tuần, trái phiếu 10 năm của Indonesia giao dịch ở mức cao là 101 USD. Nhưng đến cuối tuần, nó giảm từ 1 đến 1,5 điểm trong khi trái phiếu 10 năm của Philippines giảm 1 điểm. Trong khi đó, với quyết định khôn ngoan lùi thời điểm giao dịch lại 1 ngày, trái phiếu Việt Nam diễn ra suôn sẻ ở thị trường thứ cấp, tăng sớm 1 điểm trong phiên giao dịch ngày 26/1.

Vào thời điểm đóng cửa thị trường châu Á ngày 26/1, trái phiếu 10 năm Indonesia được giao dịch ở mức 100,25 USD còn của Philippines là 100,625 USD. Trái phiếu Việt Nam khép lại ngày giao dịch đầu tiên ở mức 99,5 USD, tăng so với mức giá phát hành 98,576 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục