Cải lương "bén duyên" xiếc

Chuẩn bị ra mắt vở cải lương kết hợp biểu diễn xiếc

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang chuẩn bị ra mắt vở diễn đặc biệt - cải lương kết hợp xiếc "Mụ phù thủy và chiếc đũa thần".
Năm 2009, vở "Oọc… rơ" của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lần đầu tiên đưa một màn nhảy hip-hop lên sân khấu cải lương.

Năm nay, đơn vị này lại kết hợp với Đoàn Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị ra mắt vở diễn đặc biệt: vở cải lương-xiếc "Mụ phù thủy và chiếc đũa thần".

Người khởi xướng những ý tưởng “độc” cho sân khấu cải lương này là nghệ sĩ Linh Trung, trưởng Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang.

- Có chính xác là hè này các em thiếu nhi sẽ có thêm một món ăn lạ miệng là một vở cải lương-xiếc không, thưa ông?

Nghệ sĩ Linh Trung: Không chỉ các em thiếu nhi đâu, tôi nghĩ cả người lớn cũng sẽ thích thú với sự đổi món này. Vở diễn sẽ kết hợp hai loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc, ảo thuật.

Nhà hát Trần Hữu Trang và Đoàn Xiếc Thành phố Hồ chí Minh đã thống nhất phương thức hợp tác đầu tư, diễn viên hai bên cũng đã bước vào luyện tập để kịp ra mắt khán giả vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Dự kiến sẽ diễn tại hai nơi là rạp Hưng Đạo, “thủ phủ” sân khấu cải lương Thành phố Hồ chí Minh (từ ngày 1 đến 6/6) và công viên 23/9, nơi “đóng đô” của Đoàn Xiếc (9 đến 13/6). Sau đó có thể sẽ đưa vở đi lưu diễn các tỉnh.

- Từ đâu mà ông có ý tưởng về sự kết hợp này?

Nghệ sĩ Linh Trung: Tháng 12 năm ngoái, khi dự Đại hội Sân khấu toàn quốc tại Hà Nội, có nhiều bạn bè đã chất vấn tôi rằng tại sao lại nghĩ đến những việc lạ đời kiểu như đưa hip-hop vào cải lương. Tôi cũng nói vui: “Năm nay là hip-hop, năm sau sẽ là xiếc.”

Lúc đó chỉ bất chợt buột miệng thôi nhưng khi trở về thì tôi lại suy nghĩ nhiều và thấy ý tưởng này hoàn toàn khả thi, tại sao lại không làm thử.

Bên kịch cũng đã hợp tác với xiếc rồi ("Cậu bé rừng xanh", "Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo", "Truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ"…). Huống hồ kết hợp cải lương với xiếc cũng không mới.

Thời cải lương còn thịnh vượng thì các kỹ xảo bay, chưởng… trong các tuồng kiếm hiệp cũng là xiếc đấy thôi, chỉ có điều đấy mới là kết hợp từng màn chứ chưa kết hợp đúng kiểu xiếc và xuyên suốt. Tôi chỉ làm mới lại cái của người xưa thôi.

Là người gắn bó lâu năm với cải lương, tôi hy vọng có được một sân khấu cải lương mới, nơi cải lương được duy trì đúng nghĩa, chứ không phải kiểu hoạt động như lâu nay: lâu lâu tập hợp nghệ sĩ làm một chương trình rồi thôi hoặc bán dàn cho một đơn vị hát tổng hợp.

Phải có những chương trình, không dám nói là hiện đại nhưng phải mang tính thời sự, mới mẻ một tí thì cải lương mới có thể sống được, mới có thể lôi kéo khán giả trẻ.

- Ông có thể cho biết sơ qua về diện mạo của vở cải lương-xiếc này?

Nghệ sĩ Linh Trung: Trước hết đây là vở diễn dành cho thiếu nhi nên đề tài cũng mang màu sắc cổ tích, thần thoại: có phù thủy, có hoàng tử, có cô gái nghèo…

Thiếu nhi vốn dễ chán nên vở diễn sẽ rất vui nhộn, hoạt náo để thu hút các em với các màn phù thủy cưỡi chổi bay, xiếc thú, hài xiếc, tung hứng, ảo thuật hoa tàn, hoa nở, thay đổi trang phục.

Thiếu nhi cũng không thể nghe ca cải lương quá nhiều nên tôi hạn chế sử dụng vọng cổ mà chủ yếu là những bài bản ngắn, tiết tấu nhanh với ca từ vui nhộn, lặp đi lặp lại nhiều để các em quen và có thể nhớ thậm chí thuộc được bài bản cải lương nào đó.

Sau buổi diễn chúng tôi sẽ có chương trình giao lưu tặng quà cho các em, đố xem em nào có thể nhớ và ca được một đoạn ngắn bài bản trong vở diễn.

Nếu duy trì được thì tôi hy vọng mỗi ngày một ít các em sẽ biết và yêu thích cải lương chứ không xa lạ và lắc đầu nhăn mặt mỗi khi nghe đến hai từ “cải lương” nữa.

Ngoài ra, tôi tin rằng không chỉ thiếu nhi mà người lớn, các bậc phụ huynh, cũng sẽ bị cuốn hút khi có thể vừa nghe vọng cổ vừa xem các màn xiếc bay nhảy đầy hấp dẫn.

- Nhưng nếu không khéo kết hợp thì thử nghiệm này sẽ tiếp tục bị lên án là “phá cải lương” như nhiều chương trình làm mới cải lương thời gian qua?

Nghệ sĩ Linh Trung: Mỗi người có quan điểm riêng và cứ việc giữ lấy ý kiến của mình. Còn tôi chỉ biết làm hết trách nhiệm của người nghệ sĩ. Đây là vở cho thiếu nhi thì dĩ nhiên phải ngắn, còn dành đất cho xiếc nữa nên không thể ca nhiều được.

Vở diễn phải phục vụ khán giả chứ không chỉ làm điều mình thích, hoặc chỉ biết làm theo truyền thống. Bao năm qua, cứ cải lương thì phải lý con sáo, phải vọng cổ mà vọng cổ phải vô từ câu một rồi sang câu ba, phải ca đủ ba câu, vai chính thì nhất định không được thiếu vọng cổ.

Cải lương cứ ôm giữ mãi chiếc áo cũ kỹ ấy và khi có cái gì hơi lạ, hơi cách tân một chút là lại bị phản đối, gây tranh cãi thì khó mà phát triển trong “thời đại tên lửa” này. Hơn nữa, những điều chưa xảy đến thì làm sao ta biết trước kết quả, không thử thì làm sao biết được mình làm đúng hay sai.

- Sân khấu cải lương mới mà ông hướng tới là như thế nào?

Nghệ sĩ Linh Trung: Trước hết sân khấu đó phải đúng chất cải lương.

Ngày xưa, người nghệ sĩ theo các gánh hát lang bạt khắp nơi, giọng ca của họ đầy chất “du ca” lãng mạn, mang âm hưởng buồn da diết như chất chứa tâm sự vì thế mới có những câu vọng cổ để đời, chỉ cần cất lên là người nghe không thể quên.

Ngày nay, không còn gánh hát chỉ có nhà hát, lại đang xuống cấp, xập xệ, đi lưu diễn thì quây vài tấm bạt dựng sân khấu ngoài trời với dàn đèn chập chờn, dàn loa tiếng được tiếng mất, trời chuyển mưa thì mọi người nháo nhào tìm chỗ trú, giọng ca người nghệ sĩ tự dưng cũng không còn vẻ quyến rũ làm say đắm lòng người.

Người nghệ sĩ bị cuốn vào vòng xoáy chạy sô thì thời gian đâu mà tập tuồng, mà hết mình cho vai diễn để vở diễn thật sự đúng chất cải lương.

Đầu tiên cần phải đầu tư cho khán giả đã, một rạp hát khang trang hiện đại làm người xem thoải mái, không lo nghĩ chuyện nắng mưa, rồi đến một lực lượng nghệ sĩ chính quy, không cần nổi tiếng, nhưng có nghề và yêu nghề. Những điều này không phải là vấn đề quá khó với những cấp quản lý thực sự quan tâm đến cải lương.

Mà cải lương thời nay thì phải là “cải lương mới”, phải làm cho khán giả trẻ thích chứ không thể mãi chạy theo những lớp khán giả cũ cũng đã già cỗi như chính sân khấu cải lương hàng chục năm nay vậy.

Thời đại mới thì không ai có thể nghe nổi một vở tuồng toàn những lời ca dài dằng dặc, cũng không thể chấp nhận việc người trước khi chết còn hát đủ ba câu vọng cổ.

Cải lương mới tiết tấu phải nhanh, kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại, phải có những thủ pháp dàn dựng hấp dẫn mà người xem chỉ có thể thấy được trên sân khấu chứ không thể tìm được từ băng đĩa, truyền hình.

Và nhất là kịch bản phải mới hoàn toàn chứ không thể lấy mãi những vở tuồng “kinh điển” đã diễn mòn mỏi cả mấy chục năm, người nghệ sĩ cũng không bị ám ảnh bởi một tên tuổi lớn nào mà thoải mái phát huy khả năng.

Hiện tại tôi đang đeo đuổi một dự án để có thể biến những ý tưởng về một sân khấu cải lương “mới” thành hiện thực. Nhưng tạm thời tôi chưa thể nói gì nhiều, có thể xem vở cải lương-xiếc này là một bước đi chuẩn bị cho dự án.

Cám ơn ông! Chúc vở diễn và những ý tưởng của ông thành công!./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục