Nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong công nghệ xanh

Phát triển các công nghệ xanh và thân thiện môi trường cho dân số đang ngày càng tăng là mối quan tâm chính của khu vực ASEAN.
Trong khuôn khổ Techmart 2012, ngày 21/9, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cơ chế đối thoại khu vực ASEAN-EU tổ chức Hội thảo quốc tế “Từ nghiên cứu đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh và an ninh lương thực” với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đến từ EU và ASEAN.

Đây là hoạt động chính thức nổi bật của Năm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo EU-ASEAN nhằm thúc đẩy toàn diện hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và EU về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh: Nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, nhiều chính sách đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách phát triển khoa học và công nghệ đã được xây dựng và áp dụng trên thế giới...

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, với chủ đề “Từ nghiên cứu đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh và an ninh lương thực”, Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để các nhà khoa học, quản lý thảo luận về các biện pháp chính sách, kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai nghiên cứu, đổi mới sáng, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nhân cùng chia sẻ các biện pháp biến nghiên cứu thành đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh và an ninh lương thực.

Các đại biểu dự Hội thảo nhận định, phát triển các công nghệ xanh và thân thiện môi trường cũng như cung cấp các nguồn lương thực chất lượng cao cho dân số đang ngày càng tăng là mối quan tâm chính của khu vực ASEAN. Mặc dù đã có một số nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này được tiến hành tại các nước ASEAN, nhưng việc tận dụng các nguồn tri thức khoa học để phục vụ cho lợi ích của ASEAN vẫn đang là một thách thức lớn và chỉ có thể thực hiện thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng khoa học và doanh nghiệp trong khuôn khổ của những chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo đúng đắn. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần phải được gắn kết chặt chẽ hơn nữa với sản xuất, kinh doanh và đời sống, cần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ, các kết quả nghiên cứu phải được chuyển hóa thành các hoạt động đổi mới sáng tạo./.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục