Xử lý mật vụ Mỹ

Obama yêu cầu xử lý triệt để vụ "mật vụ mua dâm"

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu điều tra "tới nơi tới chốn" vụ 11 mật vụ Mỹ bị cáo buộc mua dâm ở Colombia nhân hội nghị OAS.
Ngày 15/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố muốn có một cuộc điều tra “đến nơi đến chốn” về vụ bê bối mua dâm liên quan đến các mật vụ thuộc lực lượng bảo vệ tổng thống (US Secret Service) và nói ông sẽ “rất giận dữ” nếu các cáo buộc là đúng sự thật.

Sự cố xảy ra khi 11 nhân viên mật vụ và năm tùy tùng quân sự bị rút khỏi Colombia trong lúc làm nhiệm vụ ở hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, làm lu mờ sự có mặt của ông Obama và những nhà lãnh đạo khác.

Cơ quan đặc vụ Hoa Kỳ, tổ chức ra quyết định đưa những người này trở lại Mỹ, đang điều tra các cáo buộc rằng nhân viên của họ đưa gái điếm lên phòng khách sạn ở Cartagena vào tối thứ Tư và đã nổ ra tranh cãi về tiền thanh toán cho một trong những cô gái.

“Tôi muốn cuộc điều tra phải đến nơi đến trốn”, ông Obama nói trong một cuộc họp báo với Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, ở buổi bế mạc hội nghị. “Nếu như những cáo buộc được xác nhận, tất nhiên tôi sẽ rất giận dữ”.

Quân đội đang tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ với năm tùy tùng quân sự. Không có đặc vụ nào thuộc Cơ quan đặc vụ là thuộc nhóm bảo vệ cá nhân của ông Obama.

Nhưng tổng thống Mỹ, đang đối mặt với một cuộc chạy đua tranh cử quyết liệt vào tháng 11, nhấn mạnh rằng mọi thành viên trong phái đoàn phải cư xử đúng mực do họ là đại diện của nước Mỹ.

“Thái độ của tôi về sự tôn trong cần thiết của nhân viên Cơ quan đặc vụ không khác với những gì tôi chờ đợi các thành viên đoàn đại biểu có mặt ở đây. Chúng tôi đại diện cho người dân Mỹ,” ông nói. “Và điều đó có nghĩa là chúng tôi phải cư xử với phẩm cách và chuẩn mực cao nhất. Những gì được báo cáo không tương ứng với các chuẩn mực đó.”

Mại dâm là hợp pháp ở một số khu vực tại Colombia, nhưng hành động đó là vi phạm các quy chuẩn về ứng xử của Cơ quan đặc vụ do nó có thể dẫn đến việc các đặc vụ bị tống tiền, ép làm gián điệp và giúp đỡ kẻ thù thâm nhập vào cơ quan an ninh quốc gia, theo lời nghị sĩ Mỹ Peter King nói với báo The New York Times.

Hạ nghị sĩ Darrell Issa, Chủ tịch Ủy ban thanh tra của hạ viện, cảnh báo nhiều đặc vụ khác có thể liên quan tới vụ bê bối này và bày tỏ quan ngại rằng sự cố này không phải là lần duy nhất của Cơ quan mật vụ.

“Câu hỏi đặt ra là liệu toàn bộ tổ chức có cần một cuộc rèn cán chỉnh quân toàn diện và phải tiến hành một số thay đổi?” nghị sĩ Cộng hòa của bang California nói trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS. “Những điều như thế này không xảy ra, nếu nó chưa từng xảy ra trước đó”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định ông Obama hoàn toàn tin tưởng Cơ quan mật vụ và sự cố này không ảnh hưởng gì đến an ninh của tổng thống.

Tư lệnh bộ tư lệnh phương nam của Mỹ, tướng Douglas Fraser, nói ngày thứ Bảy rằng ông “thất vọng vì toàn bộ sự kiện” và nói hành vi này “không phù hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp của quân đội Mỹ.”

Cơ quan đặc vụ Hoa Kỳ, có khoảng 3.200 đặc vụ và 1.300 cảnh sát thường phục, từng dính vào một số vụ rắc rối kể từ khi ông Obama lên nắm quyền ba năm trước.

Vụ việc được chú ý gần nhất của họ là năm 2009, khi các ngôi sao chương trình truyền hình thực tế Tareq và Michaele Salahi va chạm với nhau trong bữa tiệc cấp nhà nước đầu tiên ở Nhà Trắng của ông Obama tiếp khách Ấn Độ.

Tháng 11/2011, một đặc vụ đã bị truy tố tội giết người mức độ hai sau một sự kiện tại Hawaii trước hội nghị thượng đỉnh APEC, theo báo The Washington Post, trong khi một người khác bị kết tội lái xe trong tình trạng say rượu vào tháng 8/2011 trong lúc đang sắp xếp an ninh cho một chuyến đi bằng xe buýt của ông Obama ở bang Iowa./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục