Điện nhà trọ: Một mình một giá "chẹt" người thuê

"Hóa đơn không có, hợp đồng chỉ ghi tiền thuê nhà. Việc thỏa thuận rất đơn giản đó vô tình đẩy người thuê trọ phải chịu thiệt."
Kể từ khi lên Hà Nội thuê nhà để làm ăn nhưng Phạm Thi Hường, quê Ninh Bình vẫn chưa bao giờ nhìn thấy hóa đơn điện, nước…vì mọi chi phí đều nằm trong một bản hợp đồng thuê nhà.

Ngay cả khi biết những chi phí đó cao gấp nhiều lần thực tế nhưng bản thân Hường và nhiều người đi thuê trọ vẫn phải “cắn răng” chịu thiệt thòi bởi đó là những thỏa thuận bằng miệng và chưa được pháp luật công nhận!

Ngậm đắng nuốt cay vì hóa đơn... miệng


Trong một con ngõ nhỏ 180 đường Nam Dư, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội nhưng đã có vài chục hộ có nhà cho thuê. Nhà ít thì xây cao rồi ngăn phòng sống chung cùng chủ nhà. Nhà nào nhiều đất thì xây cả một dãy cho thuê, nhưng hầu hết phòng xây chỉ dành cho hai người ở và tất nhiên chỉ một côngtơ điện chia đều cho các hộ sinh hoạt là “chiêu” mà nhiều chủ trọ áp dụng để lách luật.

Chị Phạm Thị Hường, đã gắn bó tại khu nhà trọ này ngót ngét cũng gần ba năm, nhưng với thu nhập chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, giá thuê nhà cộng chi phí ăn ở cũng ngốn hết số tiền đó.

Để đối phó với giá sinh hoạt cứ ngày càng đội lên, chị đã rủ thêm một số bạn bè xa quê ở cùng để san sẻ bớt gánh nặng một thân một mình nơi đất khách. Tuy nhiên, theo chị Hường và các bạn ở cùng thì tiền điện, nước, chưa kể thực phẩm bao giờ cũng “chạy trước” các đợt tăng giá của nhà nước rất nhiều và là gánh nặng chi phí mà người thuê trọ phải gồng mình chống đỡ.

“Chủ trọ chỉ cho ghép từ một đến ba người/phòng, riêng tiền điện 70.000 đồng/người và chỉ được dùng tivi và đèn chiếu sáng, nếu đun nấu sẽ tính thêm nhưng thường cao gấp ba so với qui định và mọi hóa đơn đều…bằng miệng,” chị Hường chia sẻ.

Hoàn cảnh tương tự, Lê Thị Hà, thuê trong ngõ này cũng được gần một năm và cũng phải tìm người ở chung để giảm chi phí, nhưng theo Hà khi Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh giá điện, chủ trọ đã ngay lập tức tăng giá điện thêm 500 đồng/kwh, tức khoảng 3.000-3.200 đồng/kwh.

Hà cho biết thêm mặc dù biết giá cao gấp nhiều lần so với giá Nhà nước qui định, nhưng không có cách nào khác vì chủ nhà nắm đằng chuôi, nếu không muốn đi thuê chỗ khác. “Mà ở đâu cũng vậy, đi rồi không thuê được nhà, còn khổ hơn,” Hà cay đắng nói.

Trao đổi với một chủ nhà trọ trong khu vực này được biết: người thuê trọ không phải mất chi phí đầu tư. Tiền công từ lắp đặt đường dây, đèn, ống… chủ nhà phải bỏ ra nên phải tính vào tiền “dịch vụ.” Vì thế, nếu chỉ tính riêng tiền thuê nhà không bù được chi phí sinh hoạt bên ngoài ngày càng tăng cao.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại một số khu vực có nhà cho thuê trên địa bàn giáp ranh quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, Hà Nội, chỉ một số ít người có khả năng thuê được nhà biệt lập và được lắp côngtơ riêng để hưởng đúng giá bán điện theo bậc thang Nhà nước qui định.

Đa phần, đều phải chịu mức giá điện cao hơn rất nhiều so với thực tế. Mức giá này được điều chỉnh liên tục mỗi khi Nhà nước có quyết định tăng, thậm chí ngay cả khi lương tăng, nhiều chủ nhà cũng lợi dụng để tăng tiền điện, nước… khiến người lao động hay những sinh viên nghèo càng khó khăn hơn.

Chính vì vậy, việc cho phép người thuê nhà được hưởng giá mua điện bậc thang là chính sách rất có ý nghĩa đối với người lao động, những cán bộ công chức thu nhập thấp hay những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, đa số người thuê nhà cho hay, chính sách này vẫn còn nằm… trên giấy!

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, thành viên tổ công tác mua bán điện Tổng Công ty điện lực Hà Nội cho biết việc kiểm tra giá bán điện đang được Tổng công ty đẩy mạnh và coi là công việc thường xuyên của ngành điện.

Tuy nhiên, bà Quỳnh Anh cũng thừa nhận việc kiểm tra giá bán điện chỉ là một phần trong công việc của Điện lực Hà Nội, trước mắt Tổng công ty đang tiến hành kiểm tra các huyện mới sáp nhập vào Hà Nội và những nơi này, tỷ lệ nhà cho thuê trọ rất ít.

Vào cuộc: Không chỉ mình ngành điện

Theo ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ngày 15/3, Bộ Công thương đã có văn bản về việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán lẻ điện năm 2010 tại các địa điểm cho thuê nhà để ở và sẽ phạt nặng những trường hợp vi phạm.

Ông Khởi cho rằng mức bắt chẹt khoảng từ 3.000-3.500 đồng/kwh là có thật và nhiều chủ nhà trọ đã "làm tiền" những người thuê trọ, việc này xuất phát từ sự nhập nhằng của những thỏa thuận khi thuê nhà mà cơ quan chức năng khó kiểm soát được.

"Hóa đơn không có, hợp đồng chỉ ghi tiền thuê nhà. Việc thỏa thuận rất đơn giản đó vô tình đẩy người thuê trọ phải chịu thiệt, mà một mình ngành điện, không thể giải quyết được," ông Khởi thừa nhận.

Đó là chưa kể, nhiều chủ trọ còn cố tình lắp côngtơ không đảm bảo chất lượng để "ăn gian" về giá, hòng thu được nhiều lợi nhuận hơn...

Trước thực trạng này, theo ông Khởi, chính quyền cơ sở và đặc biệt bản thân người tiêu dùng cũng phải phản ảnh và lên tiếng với ngành điện.

“Để những người nghèo được hưởng lợi, ngay bản thân họ phải có ý kiến với chi nhánh điện nơi họ sinh sống, nếu phát hiện sai phạm, chủ nhà trọ đó sẽ bị cắt điện ngay và thủ tục cấp lại sẽ rất chặt chẽ,” ông Khởi nhấn mạnh.

Nhận định về sự việc trên, luật sư Trần Đình Triển thuộc Văn phòng luật sư Vì dân, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng ngành điện chỉ có thể quản lý điện trên côngtơ chứ rất khó để biết được việc thu tiền điện của chủ nhà đối với những người đi thuê ra sao.

Do vậy, ông Triển cho hay điều quan trọng, khi ký kết hợp đồng thuê nhà, người đi thuê phải đưa ra những thỏa thuận cụ thể vào trong hợp đồng. Ví dụ như mắc côngtơ phụ như thế nào, giá ra sao...

“Nếu hai bên đã thoả thuận, mà giá điện của chủ nhà thu cao hơn giá thị trường, pháp luật cũng không cấm. Vậy nên, để nói cơ quan nào chịu trách nhiệm trong chuyện này hơi khó,” ông Triển chia sẻ./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục