Chiến dịch nâng cao sức chống chọi với thiên tai

Liên hợp quốc dự kiến phát động chiến dịch nâng cao sức chống chọi với thiên tai của các thành phố đông dân cư vào ngày 30/5.
Ngày 27/5, Liên hợp quốc cho rằng hàng loạt thiên tai gây nhiều thiệt hại to lớn gần đây - từ trận động đất kinh hoàng ở Haiti hồi tháng 1 tới vụ núi lửa phun trào ở Iceland làm gián đoạn hoạt động hàng không trong nhiều ngày ở châu Âu, đã cho thấy các thành phố cần triển khai kế hoạch giảm bớt thiên tai.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc dự kiến phát động chiến dịch nâng cao sức chống chọi với thiên tai của các thành phố đông dân cư.

Trung tâm Thông tin của Liên hợp quốc cho biết chiến dịch "Làm cho thành phố kiên cường: Thành phố chúng tôi sẵn sàng" kéo dài hai năm sẽ được chính thức phát động tại Đức vào ngày 30/5.

Liên hợp quốc kêu gọi lãnh đạo các chính phủ và chính quyền các địa phương cam kết thực hiện 10 nội dung nhằm nâng cao khả năng chống chọi và giảm bớt thiên tai ở các khu đô thị.

Với chiến dịch trên, Liên hợp quốc hy vọng sẽ vận động được hơn 1.000 lãnh đạo các chính phủ và chính quyền địa phương trên toàn thế giới cam kết tăng đầu tư cho quy hoạch phát triển đô thị, bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng, củng cố hệ thống thoát nước để tránh ngập lụt, lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm và thực hiện một số biện pháp giảm thiên tai khác.

Các thành phố Bonn, Đức, Mexico City, Mexico, Saint Louis, Senegal, Karlstad, Thuỵ Điển, Larreynaga-Malpaisillo, Nicaragua và Albay, Philippines sẽ là những thành phố đầu tiên cam kết thực hiện ít nhất 1 trong 10 nội dung của chiến dịch.

Theo Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giảm thiên tai Margareta Wahlstrom, những "thành phố kiên cường" và công dân của nó sẽ được lợi rất lớn nhờ cơ hội mà nỗ lực giảm thiên tai mang lại như tăng trưởng, công ăn việc làm, cơ hội kinh doanh, hệ sinh thái cân bằng, điều kiện y tế và giáo dục được cải thiện.

Ban thư ký của chương trình Chiến lược quốc tế cắt giảm thảm hoạ thiên tai (ISDR) sẽ điều phối hoạt động của chiến dịch nói trên với sự giúp đỡ của Chương trình tái định cư Liên hợp quốc (UN-HABITAT), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục