Chưa tán thành về đối tượng chịu thuế môi trường

Thảo luận tại tổ về dự án Luật bảo vệ môi trường, phần lớn đại biểu Quốc hội chưa tán thành đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật bảo vệ môi trường, chiều 31/5, phần lớn các đại biểu Quốc hội chưa tán thành với quy định về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ra đời luật này nhưng cho rằng, dự thảo còn sơ sài, dễ dãi và chưa chặt chẽ khi mới chỉ xếp 5 nhóm là xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế.

Theo các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Trần Đình Long (Đắk Lắk), Trần Bá Thiều (Hải Phòng), Vũ Thị Thu Hà (Hưng Yên)... hiện nay không chỉ có 5 nhóm hàng hóa như quy định của dự thảo luật là có tác động xấu đến môi trường mà còn nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các loại hóa chất độc hại, các sản phẩm độc hại… tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người đã được quy định trong nhiều văn bản.

Để bảo đảm tính bao quát, công bằng của luật, các đại biểu cho rằng cần rà soát lại danh mục hàng hóa, nghiên cứu danh mục sản phẩm gây ô nhiễm môi trường trong các văn bản liên quan, các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, khảo sát thêm thực tiễn để bổ sung đối tượng chịu thuế dựa trên nguyên tắc đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực đến môi trường thì phải thuộc diện chịu thuế. Để bảo đảm tính thuyết phục của dự án luật, đề nghị Chính phủ lý giải cụ thể về căn cứ quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thuộc diện chịu thuế.

Các đại biểu đồng tình, luật ra đời sẽ khiến các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc xả thải ra môi trường, nhưng phạm vi 5 nhóm đối tượng như dự thảo quy định chưa mang tính thuyết phục cao, chưa giải quyết hết được những điều người dân mong muốn; đề nghị mở rộng đối tượng chịu thuế đối với tất cả các đối tượng gây ảnh hưởng đến môi trường. Theo các đại biểu, còn rất nhiều nhóm cần được bổ sung vào đối tượng chịu thuế như chất tẩy rửa, hạt nix, rác; nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất như giấy, pin, ắcquy, phân đạm, nhiệt điện... gây ô nhiễm rất nặng cho môi trường.

Theo báo cáo thẩm tra, nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, với tính chất là đạo luật về thuế bảo vệ môi trường, về nguyên tắc, quy định về đối tượng chịu thuế phải bao hàm mọi sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường. Tại thời điểm hiện nay, khi bước đầu áp dụng luật thì có thể xem xét, áp dụng theo lộ trình thích hợp, lựa chọn những đối tượng phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Giải thích thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu rõ để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nặng nề, Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra nhiều biện pháp như tăng xử phạt, sửa đổi luật, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát với mục đích làm cho môi trường trong lành hơn. Dự Luật thuế môi trường là một trong những giải pháp kinh tế với mục tiêu đặt ra không phải là thu tiền mà dùng công cụ thuế để hạn chế những hành vi gây ô nhiễm, khuyến khích công nghệ xanh, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường; điều tiết được các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, cái được không phải là tiền mà là lấy lại được sự trong lành của môi trường với nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm thì phải bỏ tiền ra để khắc phục, bù đắp. Thuế này được xây dựng đặc thù nên không ngại sẽ phát sinh “thuế đúp,” thuế chồng thuế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đồng tình với quan điểm coi luật như một công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ thân thiện. Tuy nhiên, theo đại biểu, tuy không đặt nặng mục đích thu nhưng công cụ này cũng phải đủ sức hữu hiệu, để các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu phải có trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.

Đa số đại biểu không nhất trí với quy định tại khoản 3 Điều 4: Hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng chịu thuế nếu không sử dụng trong nước mà xuất khẩu thì không phải chịu thuế.

Các đại biểu cho rằng, quy định này chưa hợp lý vì Luật thuế bảo vệ môi trường không chỉ cần xác định trách nhiệm bảo vệ môi trường ở Việt Nam mà phải bảo vệ môi trường chung trên trái đất, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy, đề nghị quy định nghĩa vụ nộp thuế bảo vệ môi trường đối với cả hàng hóa xuất khẩu gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) nhấn mạnh hàng hóa, kể cả tạm nhập tái xuất đã nằm trên lãnh thổ Việt Nam mà gây ô nhiễm là phải chịu thuế. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đặt vấn đề, nếu quy định như dự thảo thì những doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thì có bị đánh thuế không?

Đề cập mối quan hệ giữa phí và thuế, nhiều đại biểu cho rằng cần tách bạch giữa hai vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, về nguyên tắc, các hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần, vì thế vẫn duy trì phí trong khi đánh thuế là chưa thuyết phục. Đại biểu cho rằng, cần rà soát lại để không trùng lặp giữa các điều tiết của Nhà nước và đảm bảo công bằng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra những tác động không tốt cho môi trường nhưng đã trả phí bảo vệ môi trường. Ban soạn thảo cần đưa ra những minh chứng thuyết phục hơn về sự cần thiết phải ban hành luật thuế này. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa) cũng cho rằng, cần phân biệt rõ đối tượng nộp thuế và phí môi trường.../.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục