Dán nhãn khí thải làm hạn chế thương mại quốc tế

Theo các chuyên gia, việc dán nhãn khí thải cácbon có thể tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.
Trước thời điểm diễn ra Hội nghị về trao đổi mậu dịch quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại và môi trường quốc tế đã lưu ý rằng yêu cầu dán nhãn khí thải cácbon gây hiệu ứng nhà kính trên các sản phẩm và dịch vụ có thể gây tổn thương cho hệ thống thương mại quốc tế.

Hội nghị này sẽ thu hút các chuyên gia đến từ nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Đại Dương, Mỹ Latinh và Mỹ.

Phần lớn đều bày tỏ quan ngại về xu hướng hạn chế quá trình sản xuất gây ô nhiễm có thể tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.

Nhãn khí thải cácbon được coi là chỉ số về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.

Nhãn này đang ngày càng trở thành nhân tố cạnh tranh của các hàng hóa và dịch vụ trong hệ thống thương mại quốc tế. Nhiều nước phát triển đã đơn phương thông báo sự phân biệt trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ theo nhãn cácbon.

Quy định này sẽ có hiệu lực tại Pháp từ tháng 1/2011 và trong toàn Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2012. Các hãng hàng không châu Âu đang trong quá trình thực hiện quy chế báo cáo về lượng khí thải để tiến tới áp dụng quy chế nhãn cácbon vào năm 2012.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đã thảo luận Luật An ninh và năng lượng sạch từ năm 2009, theo đó hạn chế buôn bán các hàng hóa và dịch vụ dựa trên nhãn cácbon.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được tạo ra trong trao đổi thương mại quốc tế chiếm 21,5% tổng lượng khí thải toàn cầu. Áp dụng quy chế nhãn khí thải trong lĩnh vực này sẽ hạn chế các quá trình sản xuất thải nhiều khí thải.

Mặc dù quy chế này hạn chế các quá trình sản xuất và tiêu dùng không bền vững chống lại sự nóng lên của Trái Đất, nhưng đối với nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là những nước xuất khẩu nguyên liệu thô, nhãn cácbon là trở ngại tiềm tàng đối với buôn bán và cạnh tranh của các nước này.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc tổ chức hội nghị quốc tế để các nước trên thế giới cùng xem xét những cơ hội và hậu quả có thể xảy ra, thảo luận cách thức áp dụng quy chế nhãn cácbon trong các giao dịch thương mại quốc tế cũng như trao đổi quan điểm giữa các khu vực về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục